Thủ tướng nhắc nhở đừng bắt nông dân đóng góp quá mức

(PLO) - Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các địa phương khắc phục việc dùng biện pháp hành chính để bắt buộc dân đóng góp quá mức như đã xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Sáng qua (8/12), Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.
Thu nhập của người nông dân tăng 1,9 lần
Báo cáo tổng kết cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân “chủ động, tự tin tham gia tích cực” xây dựng NTM, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, đưa xây dựng NTM trở thành phong trào sôi động khắp cả nước.
Nhờ đó, điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Trong xây dựng NTM, 5 năm qua, thu nhập trung bình của người dân nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010 và vượt mục tiêu đề ra là tăng 1,5 lần; số hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh, còn 8,2%. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. 
Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Những mô hình, cách làm hay, kinh nghiệm tốt đã xuất hiện trong quá trình xây dựng NTM. Cụ thể, có tới 22 nghìn mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp tiên tiến, hiệu quả, là cơ sở để nhân rộng, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. 
“Những kết quả này tạo điều kiện, tiền đề để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM - một nội dung quan trọng trong Nghị quyết về Tam nông của Trung ương trong 5 năm tới sẽ được thực hiện tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định.
Xây dựng nông thôn mới cho phát triển nhanh
Chỉ rõ những hạn chế của việc thực hiện Chương trình cần phải tập trung khắc phục, trong đó có sự chênh lệch tiêu chí giữa các xã ở các vùng miền còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo so với bình quân cả nước còn cao, số hộ nghèo ở các huyện nghèo chiếm tỷ lệ lớn; nhận thức ở một số nơi về mục đích, ý nghĩa của Chương trình chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền còn hạn chế;…, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong giai đoạn tới, nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định là tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thực hiện mục tiêu Chương trình.
Đi liền với đó là đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM với 19 tiêu chí chính là để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững vì “thực tế cho thấy, nơi nào được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, sát sao trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm…, thì nơi đó Chương trình được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả” - Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đóng góp sức lực, của cải của mình vào sự nghiệp xây dựng NTM. Trong đó, Thủ tướng nhắc nhở lưu ý khắc phục việc dùng biện pháp hành chính để bắt buộc dân đóng góp quá mức như đã xảy ra.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM. Cùng với việc Trung ương cố gắng thu xếp, cân đối, bố trí nguồn lực cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo thì các địa phương cũng phải tính toán cân đối ngân sách địa phương, lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác; vận động nhân dân đóng góp phù hợp với khả năng; huy động các nguồn lực từ xã hội...
Ngoài ra, cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến một số tiêu chí thực hiện còn đạt ở mức thấp như tiêu chí về huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; tiêu chí về phát triển lực lượng sản xuất ở địa bàn nông thôn gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; các tiêu chí về thúc đẩy sản xuất, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; tiêu chí về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn… 

Đọc thêm