Thủ tướng nhận lỗi về những yếu kém của Chính phủ

"Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước...", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói khi trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội, sáng nay.

[links()]Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII,  Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày cho thấy rất nhiều vấn đề về kinh tế, an sinh xã hội... khiến cử tri cả nước lo lắng. Người đứng đầu Chính phủ đã nhận khuyết điểm của mình khi để xảy ra những bất ổn trong người dân.
Phiên họp gửi gắm nhiều lo lắng của cử tri
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội trước khi phiên họp chính thức diễn ra. 
Thể hiện trong các ý kiến này, cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng trước thực trạng nền kinh tế nước ta tuy có mức phát triển nhưng chưa bền vững, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại; giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống liên tục tăng; nợ xấu trong ngân hàng và hàng tồn kho trong doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây bất ổn cho nền kinh tế; đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; vấn đề lợi ích nhóm, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, ngân hàng và những tiêu cực phát sinh trong việc quản lý đất đai, tài sản công chưa được giải quyết kịp thời, triệt để; đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.
Cụ thể, trong vấn đề xây dựng Đảng và Nhà nước, cử tri kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định, đồng thời bổ sung, cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội; kiến nghị Quốc hội sớm ban hành và thực thi có hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. 
Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều câu hỏi được đặt xung quanh các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước khi các tổ chức này được đầu tư lớn về vốn, đất đai, nguồn lực và nhiều ưu đãi khác nhưng kết quả hoạt động chưa tương xứng; nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành, hiệu quả thấp, lâm vào tình trạng khó khăn, khó thu hồi vốn, thậm chí có tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ để lại nhiều hậu quả nặng nề, nghiêm trọng như: Vinashin, Vinalines…
Tình trạng đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; việc cắt giảm đầu tư công một cách bình quân ở một số nơi dẫn tới nhiều công trình bỏ dở, nhất là các công trình thuộc cơ sở hạ tầng, giao thông, xây dựng, các dự án khu công nghiệp, khu đô thị… gây lãng phí chưa từng có. Tình trạng chất lượng của một số công trình xây dựng kém, trong đó có một số công trình thủy điện, hồ đập chứa nước không đảm bảo, như: đập Thủy điện Sông Tranh 2, đập Thủy điện Đắk Rông 3 gây lo lắng, bức xúc ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và sớm có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII - Ảnh VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VGP
Cũng liên quan đến các tập đoàn kinh tế, cử tri và nhân dân kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm các qui định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các sai phạm của Tập đoàn Vinashin, Vinalines, lĩnh vực tài chính - ngân hàng… 
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng cần có các quy định có tính khả thi để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Chính phủ nhận lỗi trước người dân
Trong phần trình bày báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội năm 2012, và nhiệm vụ năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ cho biết:
Nhìn tổng quát, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, công tác lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch. Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô chuyển biến theo hướng ổn định hơn, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, khẳng định vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển đất nước.
Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được một số kết quả bước đầu. An sinh xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt những kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Trật tự an toàn xã hội có tiến bộ. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, nổi lên như: Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn. Lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh; Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; Giáo dục đào tạo vẫn còn nhiều yếu kém; Trật tự, an toàn xã hội vẫn còn nhiều bức xúc, nhất là tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm... 

Các chỉ tiêu của năm 2013 do Chính phủ  đề nghị:

- Các chỉ tiêu kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. 

- Các chỉ tiêu xã hội: Giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, 4% đối với các huyện nghèo. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%. Đạt 22 giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã).

- Các chỉ tiêu môi trường: 84% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 75% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết: "Trong những ngày qua, Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Tập thể Ban cán sự đảng và mỗi đồng chí chúng tôi đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao và trong cả quá trình hoạt động cách mạng của mình.

Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước. 
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc vì nhân dân, vì Đảng vì chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”.
Cũng trong báo cáo do Thủ tướng chính bày, trong năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro; thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế không cao hơn nhiều so với năm 2012.
Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét xác định mục tiêu tổng quát của năm 2013 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Nhật Thanh

Đọc thêm