Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 22/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từ ngày 22-25/11/2021.
Thủ tướng rời Hà Nội sang Nhật Bản.
Thủ tướng rời Hà Nội sang Nhật Bản.

Tối 22/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Haneda, Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từ ngày 22-25/11/2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp đón kể từ khi ông nhậm chức mới đây.

Đây cũng là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao.

Đại diện Chính phủ Nhật Bản đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay.

Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Trên cơ sở quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam khẳng định sẵn sàng cùng Nhật Bản mở ra một giai đoạn phát triển mới thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, an ninh, quốc phòng, địa phương, giao lưu nhân dân.

Việt Nam và Nhật Bản thường xuyên có các cuộc trao đổi trên tinh thần chân thành, hữu nghị, tin cậy và thẳng thắn, thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực trọng yếu, nhất là hợp tác kinh tế, y tế, vaccine phòng COVID-19 và thuốc điều trị; thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng và hợp tác tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề quốc tế hai nước cùng quan tâm.

Việt Nam luôn là bạn, đối tác thân thiết, tin cậy và ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò xứng đáng ở khu vực và trên thế giới; cùng Nhật Bản đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Về hợp tác kinh tế, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2 (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.

Bên cạnh đó, hợp tác nông nghiệp có bước đột phá từ năm 2014, hai nước đã ký kết "Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản" (tháng 9/2015), ký lại Tầm nhìn chung sửa đổi vào tháng 5/2018, đang triển khai "Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 2 giai đoạn 2020-2024".

Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Ngoài ra, quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 65.000 người...

Về hợp tác lãnh sự, Nhật Bản đã mở Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng lãnh sự tại Đà Nẵng (tháng 1/2020). Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại Osaka (tháng 3/1997) và Fukuoka (tháng 4/2009). Vào tháng 6/2010, hai Tổng Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) và thành phố Kushiro (Hokkaido) đã được bổ nhiệm.

Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động đến quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật trên nhiều lĩnh vực. Hai nước phải hủy/hoãn một số hoạt động đối ngoại; hợp tác lao động, du lịch chịu tác động mạnh mẽ. Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt.

Nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật-Việt và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý cho người Việt Nam ở Nhật Bản - ông Ryokichi Motoyoshi.

Nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật-Việt và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý cho người Việt Nam ở Nhật Bản - ông Ryokichi Motoyoshi.

Trả lời báo chí, nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật-Việt và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý cho người Việt Nam ở Nhật Bản - ông Ryokichi Motoyoshi, đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua duy trì xu hướng phát triển tốt đẹp.

Ông Motoyoshi cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính là người khá quen thuộc với chính giới và các nghị sĩ Nhật Bản khi ông đã từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt-Nhật.

Năm ngoái, Thủ tướng Yoshihide Suga, người tiền nhiệm của đương kim Thủ tướng Fumio Kishida, đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên cho chuyến thăm nước ngoài sau khi nhậm chức.

Còn lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhật Bản sau khi Thủ tướng Kishida nhậm chức. Theo ông, điều này phản ánh rõ mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và ngày càng gắn bó giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật Bản diễn ra sau khi Nhật Bản vừa nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 và đang từng bước nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội.

Vì vậy, ông Motoyoshi bày tỏ tin tưởng cơ hội hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng rộng mở trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và nguồn nhân lực.

Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch thông qua khoản viện trợ hơn 4 tỷ Yên cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam.

Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã hỗ trợ gần 1,2 triệu khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản.

Đọc thêm