Năm 2012 đã được Chính phủ chọn là “Năm An toàn giao thông” với nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc thiết lập kỷ cương, trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và giảm thiểu ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.
Thông điệp: “Giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta” cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát đi nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân.
Chiều 27/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp gửi thông điệp “Năm An toàn giao thông 2012” tới đồng bào, đồng chí và khán - thính giả cả nước. Ảnh: VOV.VN |
Nâng mức phạt đối với lỗi vi phạm về giao thông là hành động cần thiết để chấn chỉnh ý thức tuân thủ pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông.
Trách nhiệm với chính mình và xã hội
Nhức nhối trước những thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đang là một vấn đề bức xúc của xã hội. Từ nhiều năm nay, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng, trung bình mỗi ngày cướp đi sinh mạng của hơn 30 người và làm bị thương hàng chục người khác. Tổn thất này đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, người thân và xã hội Việt Nam”.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra 11.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 9.200 người và bị thương hơn 8.300 người. Cũng trong khoảng thời gian này, đã xảy ra 172 vụ ùn tắc kéo dài trên 1 giờ. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên. |
Chính vì vậy, Chính phủ đã lấy năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”, đề ra đồng bộ các biện pháp để tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhằm thiết lập kỷ cương, trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và giảm thiểu ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.
Điều được người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đó chính là tinh thần trách nhiệm và sự tự ý thức của mỗi người dân: “Giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta - Chúng ta cùng nhau có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè và với toàn xã hội. Mà hành động mỗi người trong chúng ta có thể làm ngay đó là chấp hành nghiêm pháp luật về đảm bảo trật tự và an toàn giao thông”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, chính quyền các cấp ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2012 tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài mà Chính phủ đã đề ra; các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân thực hiện Kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông” với quyết tâm cao nhất, thiết lập trật tự, kỷ cương an toàn giao thông trong phạm vi cả nước, phấn đấu hàng năm giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông và từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Siết chặt kỷ cương
Cùng với việc kêu gọi tinh thần tự giác của mỗi người dân, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê bình Trưởng ban An toàn giao thông 7 tỉnh, gồm: Bình Thuận, Cao Bằng, Bình Phước, Gia Lai, Long An, Phú Yên và Tây Ninh do có số người chết vì tai nạn giao thông tăng liên tục trong năm 2010 và 2011. Thủ tướng yêu cầu Ban An toàn giao thông các tỉnh nêu trên kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn giao thông tại địa phương.
10 địa phương được Thủ tướng biểu dương do đã phấn đấu giảm nhiều người chết do tai nạn giao thông trong năm 2010 và 2011 là Đắk Nông, Hải Dương, Hà Nam, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Bình, Đắc Lắk, Nghệ An, TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực, quyết liệt thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông trong “Năm An toàn giao thông 2012”, đạt được mục tiêu đã đặt ra là giảm từ 5 đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương; giảm 20% ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn năm 2012.
Trong khi đó, theo Kế hoạch thực hiện “Năm An toàn giao thông 2012” vừa được Bộ Công an ban hành, trong năm 2012 này, Bộ Công an sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số biện pháp mạnh nhằm tăng cường hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Biện pháp mạnh cụ thể là nâng mức xử phạt đối với một số hành vi nguy hiểm như không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở, vi phạm các quy định về tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, chở quá số người cho phép, chở quá số người không đúng quy định... Ngoài việc nâng mức phạt, các lỗi vi phạm trên cũng sẽ được ngành tập trung xử lý theo chuyên đề trong năm tới.
Nâng mức phạt đối với lỗi vi phạm về giao thông là hành động cần thiết để chấn chỉnh ý thức tuân thủ pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông |
Không chỉ áp dụng phạt mức gấp đôi tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, lực lượng công an sẽ tiếp tục thí điểm hình thức này ở một số đô thị trọng điểm khác. Đồng thời, Bộ Công an sẽ tham mưu với Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tịch thu các phương tiện đua xe trái phép, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định quy định các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bộ Công an cũng kiến nghị thay hình thức gửi thông báo vi phạm giao thông về địa phương bằng hình thức đăng lỗi vi phạm của cá nhân lên báo chí.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, mới đây Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Tờ trình số 8868/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001.
Theo đó, Tờ trình đề xuất mức thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm với đối tượng thu là xe ô tô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công và xe ô tô buýt. Thời gian thu phí là giờ cao điểm, buổi sáng từ 6h đến 8h30, buổi chiều từ 16h đến 19h hàng ngày (trừ thứ 7, chủ nhật và ngày lễ).
Việc thu phí thực hiện tại khu vực nội đô thành phố, phương thức thu là thu qua các trạm thu phí xe ô tô và chỉ thu chiều vào với mức thu dự kiến là 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ô tô còn lại (xe tải, xe chở người lớn hơn 7 chỗ ngồi...). Khu vực thu và mức thu cụ thể giao UBND cấp tỉnh quy định trên cơ sở nghị quyết của HĐND cho phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và yêu cầu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở địa phương.
Hy vọng rằng, một loạt biện pháp đồng bộ và quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, cùng với việc tự giác nâng cao ý thức pháp luật khi tham gia giao thông của người dân, bức tranh trật tự an toàn giao thông năm 2012 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.
Cao điểm an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Đinh La Thăng đã chủ trì phiên họp triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kéo giảm tai nạn giao thông tai nạn giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn sắp tới cũng như “Năm An toàn giao thông 2012”. Theo kế hoạch, từ ngày 11 đến ngày 31/1/2012, Bộ Giao thông vận tải sẽ triển khai cao điểm hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Các lực lượng sẽ triển khai từng nhiệm vụ cụ thể, tăng cường kiểm tra an toàn xe khách, xây dựng phương án giải tỏa khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, phân luồng để tránh xảy ra ùn tắc giao thông. Sắp tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ giao cho Trung ương Đoàn thanh niên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban An toàn giao thông TP.Hà Nội tổ chức lễ phát động ra quân “Năm An toàn giao thông” vào ngày 3/1-2012. Đồng thời, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố sẽ tổ chức ra quân hưởng ứng sự kiện này với các hoạt động thiết thực, mạnh mẽ. |
Lan Phương