Thủ tướng sang Paris cùng nhiều nước bàn cách chống biến đổi khí hậu

Sáng 29/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande. 
Thủ tướng sang Paris cùng nhiều nước bàn cách chống biến đổi khí hậu
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker.
Tham gia đoàn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Võ Minh Chiến; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn tham dự Hội nghị COP21 nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp cấp cao của COP 21, khẳng định với thế giới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Việt Nam là một trong 150 nước trước hội nghị COP 21 đã chủ động đưa ra mức cam kết quốc gia để cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm phát thải nhà kính nhằm đảm bảo mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất vào năm 2100 tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì Đối thoại cấp cao về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của của lãnh đạo các quốc gia trong khu vực, các nước đối tác và ngân hàng thế giới…
COP21 là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015. Hội nghị COP21 dự kiến có sự tham dự của khoảng 80 nguyên thủ quốc gia và các đại diện của gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Pháp thông báo sẽ triển khai gần 11.000 cảnh sát để bảo vệ COP21, trong đó, 8.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được điều tới các trạm kiểm soát biên giới, ngoài ra 2.800 nhân viên an ninh sẽ được triển khai tại khu vực trung tâm hội nghị ở Le Bourget, phía Bắc thủ đô Paris.
Để đón tiếp khoảng 40.000 đại biểu và du khách trong điều kiện tốt nhất nhằm đảm bảo tiến hành tốt nhất các phiên họp, các buổi trao đổi, làm việc … nước chủ nhà đã chi khoảng 170 triệu euro để chuẩn bị cơ sở vật chất và hậu cần.
Trước thềm COP21, hàng nghìn người đã tham gia vào các cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu tại nhiều nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho thấy sự lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của biến đổi khí hậu đối với Trái Đất cũng như sự sống tại nhiều vùng đất nhạy cảm. Những người tham gia tuần hành hô vang khẩu hiệu: "Hãy bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta".

Người phát ngôn của Phong trào Phát triển nhân dân châu Á, Denise Fontanilla nói: "Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới thế giới, đặc biệt các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị COP21 tại Paris rằng sự sống là vô giá, không có gì có thể đánh đổi được".
Sau khi tham dự COP21, Thủ tướng làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội kiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nhằm trao đổi các biện pháp hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của cả hai bên, phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam như năng lượng, tăng trưởng xanh, đào tạo nghề…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, hàng không-vũ trụ...

Đọc thêm