Cầu thủ “dân chơi” thành thủ tướng
Ông Imran Khan không phải là một nhân vật xa lạ với không chỉ người dân Pakistan mà còn trên khắp thế giới. Trước khi bước vào con đường chính trị, ông là một ngôi sao bóng chày nổi tiếng thế giới với sự nghiệp lừng lẫy kéo dài suốt 2 thập kỷ, từ những năm 1970 đến những năm 1990. Trong đó, ông từng là đội trưởng đã dẫn dắt đội tuyển quốc gia Pakistan giành chiến thắng tại World Cup năm 1992.
Như nhiều cầu thủ nổi tiếng khác, ông cũng được nhiều người xem là một tay chơi có tiếng, thường xuyên xuất hiện ở những hộp đêm, khiến ông trở thành nhân vật yêu thích của truyền thông thế giới trong suốt vài thập kỷ. Song, ông này luôn bác bỏ việc từng uống rượu hay tham gia các hoạt động được xem là không phù hợp với một đất nước Hồi giáo bảo thủ như Pakistan.
Khi sự nghiệp thể thao chững lại, ông Khan từ bỏ hình ảnh “ăn chơi” để tham gia hoạt động chính trị, tập trung xây dựng hình ảnh một nhà cải cách đạo đức, một nhân vật tiên phong chống đói nghèo. Cùng với đó, ông rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Song, ông vẫn phải mất nhiều năm để biến sự ủng hộ của người dân thành những thành quả chính trị.
Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông được thành lập từ năm 1996 nhưng đến năm 2002 mới giành được một ghế trong Quốc hội. Phải đến cuộc bầu cử vừa qua, PTI mới thực sự chiến thắng lớn, đưa ông Khan trở thành thủ tướng Pakistan, thay thế cựu Thủ tướng Nawaz Sharif và đảng Liên minh hồi giáo Pakistan -Nawaz (PML-N).
Với lịch sử của những cuộc đảo chính xảy ra khá thường xuyên ở Pakistan, việc ông Khan lên nắm quyền được nhiều người xem là câu chuyện điển hình về chiến thắng của nền dân chủ trước sự kiểm soát của quân đội. Tranh cử với quan điểm dân túy, ông được so sánh như “Donald Trump của Pakistan”.
Về đời tư, năm 1995, ở tuổi 43, ông Khan mới kết hôn lần đầu với bà Jemima Goldsmith, 21 tuổi, là con gái của một trong những người giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau khi có với nhau 2 mặt con, 2 người ly hôn vào năm 2004. Đến năm 2015, ông tái hôn với nhà báo Reham Khan nhưng cuộc hôn nhân kéo dài chưa được 1 năm. Đến năm 2018, ông lấy người vợ thứ 3 là bà Bushra Watto – người vẫn được xem là cố vấn về mặt tinh thần cho ông.
Động thái cải thiện hình ảnh
Trước ngày nhậm chức, ông Khan thông báo đã quyết định sống trong một căn nhà nhỏ hơn, đơn giản hơn chứ không sống ở dinh thự dành cho Thủ tướng. Khu dinh thự này được cựu Thủ tướng Nawaz Sharif cho xây dựng khi ông đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào 20 năm trước. Tọa lạc trên một khu đất rộng ở Đại lộ Hiến pháp, đây là một khu nhà sang trọng, được bảo vệ nghiêm ngặt với 5 bãi cỏ, một vườn cây ăn trái, vài bể bơi, phòng truyền thông và phòng hội đồng. Nội khu này cũng có 10 tòa nhà dành cho người phục vụ, nhà ở cho các nhân viên an ninh…
Ngân sách cho chỉ riêng hoạt động bảo vệ an ninh của khu phức hợp đã lên đến gần 8 triệu USD còn tiền lương của các nhân viên làm việc ở đây là hơn 5,6 triệu USD. Đó là còn chưa kể chi phí trang trí, sửa chữa… Theo báo chí Pakistan, việc ông Khan làm theo thông báo trên sẽ giúp tiết kiệm đến 15 triệu USD mỗi năm tiền từ ngân sách. Chính vì vậy nên cam kết cắt giảm những khoản chi này của ông Khan được cho là sẽ cải thiện hình ảnh của ông không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới.
Thay vào đó, theo thủ tướng đắc cử Pakistan, khu nhà sẽ được chuyển sang mục đích phục vụ cộng đồng, như giáo dục hoặc y tế. Dự kiến, 4 trường đại học với tổng quy mô tương đương trường đại học hàng đầu của nước này là trường Đại học Quaid-e-Azam sẽ được đưa vào hoạt động ngay trong khuôn viên khu nhà thủ tướng.
Cùng với đó, trong các cuộc phỏng vấn và họp báo, ông Khan cũng khẳng định sẽ không nhận các chế độ VIP dành cho nguyên thủ sau khi lên nắm quyền mà sẽ tích cực tiết kiệm. Các động thái như vậy phát đi thông điệp tích cực tới người dân rằng thủ tướng của họ sẽ không lãng phí tiền công vào cuộc sống xa hoa và những hoạt động mang tính chất nghi thức, theo tờ Gulf News.
Thủ tướng đắc cử của Pakistan cũng khiến nhiều người dân nức lòng với các tuyên bố chống tham nhũng mạnh mẽ. Mới đây nhất, tại cuộc gặp với Đại sứ Anh ở Pakistan Thomas Drew trước khi nhậm chức, ông Khan cam kết sẽ thực hiện các biện pháp để thu hồi tài sản công đã bị các quan chức biển thủ và đưa tới giấu ở Anh. Trong số các biện pháp mà ông dự định áp dụng có việc nghiên cứu để vận dụng luật chống tham nhũng của Anh, đặc biệt là các quy định liên quan đến chống rửa tiền, cho nỗ lực thu hồi công sản bị đánh cắp về nước.
Phát biểu này của ông Khan được cho là ngụ ý chỉ về cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Năm 2016, Hồ sơ Panama tiết lộ rằng 3 người con của Sharif đều sở hữu vài công ty ở nước ngoài và có nhiều ngôi nhà sang trọng ở trung tâm London, Anh. Các tài sản này đều không được kê khai trong bảng kê khai tài sản của gia đình.
Theo các thông tin trong tài liệu từng gây chấn động thế giới trên, các công ty của các con của ông Sharif đều được sử dụng để thu mua các tài sản ở nước ngoài. Hồi tháng 7 vừa qua, ông Sharif đã bị Tòa án tối cao Pakistan phế truất và bị tống giam 10 năm vì không thể giải thích được nguồn gốc số tiền dùng để mua 4 căn nhà có giá đến hơn 10 triệu USD ở Anh.
Thách thức chồng chất
Tuy nhiên, trước mắt ông Khan sẽ là vô số thách thức cần xử lý. Trong đó, theo các nhà phân tích, thách thức chính của ông Imran Khan tới đây sẽ là vực dậy nền kinh tế Pakistan vốn đang ngập trong những khoản nợ nhiều tỷ USD với Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh bình thường, việc cấp cho các đồng minh những khoản vay không đáng bàn quá nhiều. Song, theo các nhà quan sát, có một số vấn đề khiến việc cho vay liên tục này thu hút sự chú ý. Trước tiên là yếu tố bí ẩn. Tất cả những giao dịch giữa Pakistan và Trung Quốc được thực hiện dưới danh nghĩa phục vụ Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng, đều bí mật, ngay cả Ngân hàng nhà nước của Pakistan nhiều khi cũng không tham gia. Trong nội bộ Pakistan cũng có nhiều người không hài lòng với các điều khoản thực tế mà 2 bên đã đàm phán để thực hiện các khoản vay này.
Thêm vào đó, các nhà quan sát cũng cho rằng, Trung Quốc “không cung cấp cho ai cái gì miễn phí bao giờ” và cảng biển Hambantota ở Sri Lanka hay các dự án khác ở Angola, Ethiopia và Kenya chính là minh chứng điển hình. Theo hướng này, nhiều người cảnh báo rằng, việc thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể khiến Pakistan phải ôm số nợ khổng lồ từ Trung Quốc.
Theo tờ Business Today, từ các chỉ số phát triển con người như y tế và giáo dục tới các thông số kinh tế như tỉ lệ thuế trên GDP, hiệu suất tiền tệ, thâm hụt tài khoản vãng lai… của Pakistan hiện đều rất ảm đạm. Theo Bloomberg, kể từ tháng 12/2017 đến nay, đồng tiền của Pakistan đã 3 lần hạ giá trong khi khoản nợ cả bên trong và bên ngoài của nước này đã lên đến mức 31% GDP. Tính từ năm 1958, nước này đã phải nhận ít nhất 21 gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Việc vực dậy nền kinh tế Pakistan trong điều kiện chính trị như của nước này tới đây được đánh giá là không hề dễ dàng, dù đã xác định được vấn đề cần xử lý.
Cùng với đó, cân bằng mối quan hệ với Mỹ - một đồng minh quan trọng của Pakistan – cũng là một thách thức đối với ông Khan khi lên nắm quyền sau khi Washington hồi đầu năm đã thông báo ngừng khoản viện trợ hơn 1 tỷ USD cho Pakistan vì sự thất bại của Islamabad trong việc đánh bại các nhóm khủng bố hoạt động tại nước này đồng thời áp dụng một số chính sách đối ngoại mới hướng tới Ấn Độ.