Theo CNN, đây là lần đầu tiên ông Abe đưa ra một khung thời gian rõ ràng để sửa đổi hiến pháp, trong đó có đề cập đến việc lực lượng tự vệ nước này “không được phép duy trì”.
Làm rõ vị thế lực lượng SDF
Quân đội Nhật Bản được biết đến là các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), nhưng trong Hiến pháp hiện hành Nhật Bản không có bất kỳ lời lẽ nào đề cập đến SDF. Do đó, ông Abe nhấn mạnh trong một thông điệp bằng video nhân kỷ niệm bản Hiến pháp 75 năm tuổi, “Tôi tin rằng chúng phải làm rõ vị thế của Lực lượng SDF trong Hiến pháp hiện hành của chúng ta và sẽ không còn có lý do để tranh cãi rằng SDF có thể vi hiến. Tôi mong ước Hiến pháp mới sẽ được thực hiện vào năm 2020, năm mà Nhật Bản sẽ chính thức bắt đầu một khởi đầu mới”, ông Abe cho biết.
Trong khi đề xuất sửa đổi, Thủ tướng Abe đề xuất bỏ hai đoạn trong Điều 9 của Hiến pháp, Chính phủ Nhật Bản cho rằng Điều 9 trong Hiến pháp không cấm nước này duy trì khả năng tự phòng vệ, và vì vậy cho phép Nhật Bản có lực lượng phòng vệ.
Corey Wallace, chuyên gia an ninh Nhật Bản tại Đại học Freie ở Berlin cho biết, những thay đổi của ông Abe về cơ bản chỉ để tượng trưng, bởi Nhật đang duy trì một trong những quân đội mạnh mẽ nhất thế giới. Nhưng những thay đổi về hiến pháp có thể đại diện cho một Nhật Bản sẵn sàng thích ứng với những vấn đề quân sự đang tồn tại và không bị gánh nặng bởi quá khứ”, ông Wallace nói với CNN.
Mối đe dọa từ Triều Tiên
Việc đưa ra đề xuất thay đổi Hiến pháp trong hoàn cảnh Nhật Bản đang ngày càng chú trọng khi tham gia vào các cuộc tập trận với Mỹ và các nước đồng minh khác để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên. Các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng đã bắt đầu đổ bộ vào các vùng biển Nhật Bản, nhằm tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật.
Năm 2014, ông Abe từng sửa đổi hiến pháp cho phép Nhật Bản có 25 vạn quân để bảo vệ đồng minh và các quốc gia láng giềng nếu bị tấn công. Thời điểm đó, ông Abe nhấn mạnh “nước Nhật sẽ không bao giờ rơi vào vòng xoáy chiến tranh như trong quá khứ”. Mọi chuyện thay đổi khá nhiều khi tình hình địa-chính trị khu vực diễn biến phức tạp. Triều Tiên khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ rất e dè trước các động thái gay gắt của nước này. Và Bình Nhưỡng còn thẳng thừng tuyên bố nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng của “đám mây hạt nhân” sẽ là Nhật Bản.
Chình vì những lời đe dọa này mà Thủ tướng Abe muốn sửa đổi Hiến pháp, việc này sẽ tạo ra những cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho các biện pháp quốc phòng gây tranh cãi của ông Abe. Các điều khoản pháp lý mới sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với việc triển khai quân đội Nhật Bản ra nước ngoài và mở rộng định nghĩa “phòng vệ” để bao hàm cả việc trợ giúp đồng minh. Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Nhật Bản do đảng cầm quyền đệ trình năm 2012 khôi phục những truyền thống Hoàng tộc tương tự với các giai đoạn trước chiến tranh, tập trung vào Nhật Hoàng và trong một số trường hợp đặt lợi ích quốc gia lên trên những quyền cơ bản của mỗi cá nhân.
Trong nhiều năm qua, đảng Dân chủ tự do của ông Abe và những người ủng hộ luôn thúc đẩy những nỗ lực cải cách Hiến pháp. Họ cho rằng, bản Hiến pháp năm 1947 của Nhật là di sản của một nước Nhật thất bại Thế chiến II và là sự áp đặt ý chí của bên chiến thắng về các giá trị và trật tự thế giới. Bản Hiến pháp này tuyên bố từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong các xung đột quốc tế và hạn chế khả năng phòng vệ của binh sĩ Nhật Bản, mặc dù Nhật Bản có một lực lượng quân đội hiện đại được vũ trang tối tân và hợp tác chặt chẽ với Mỹ.
Tuy nhiên, Nhật Bản hiện bị chia rẽ sâu sắc xung quanh đề xuất sửa đổi Hiến pháp mà Thủ tướng Abe cùng đảng cầm quyền của ông đang thúc đẩy. Những người phản đối sửa đổi hiến pháp nói rằng hành động đi ngược lại an ninh quốc gia và lập trường quốc tế đúng đắn của Nhật Bản. Họ lo ngại các động thái phòng vệ của ông Abe sẽ dễ khiến Nhật bị kéo vào chiến tranh, chấm dứt chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của nước này.
Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây do hãng tin Kyodo thực hiện, 49% số người được hỏi muốn thay đổi. Tuy nhiên, 51% số người được hỏi nói họ không muốn Hiến pháp Nhật Bản thay đổi dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Abe. Trong khi đó, một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Đài truyền hình TBS cho thấy tỷ lệ người dân ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp đã giảm mạnh những năm qua.
Theo quy định, để thực hiện đề xuất sửa đổi Hiến pháp và kêu gọi trưng cầu ý dân về việc này, cần sự nhất trí của hai phần ba số nghị sĩ ở cả hai viện. Trong khi đó, đảng của ông Abe đang chiếm tỷ lệ đa số ở cả hai viện Quốc hội. Giới quan sát cho rằng, với những diễn biến hiện nay ở cả bên trong và bên ngoài đất nước, đây sẽ là thời điểm thuận lợi để ông Abe thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.