Chiều 6/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 của Bộ Tài chính. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Điểm lại thành tựu và kết quả đạt được của đất nước năm 2016, Thủ tướng cho rằng, có sự đóng góp trực tiếp và rất lớn của ngành tài chính. Trong một năm khó khăn chồng chất, nhưng ngành tài chính đã đạt thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực. Tính đến ngày cuối cùng của năm 2016, thu ngân sách Trung ương đã vượt 7,8% so với dự toán, dù trước đó dự kiến hụt thu ít nhất từ 8.000-12.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tiềm lực dự trữ quốc gia đã được nâng lên đáng kể. Đến năm 2016, tổng mức dự trữ quốc gia đã tăng gấp đôi so với năm 2006.
Ngành tài chính luôn là một trong những ngành tiên phong, triển khai quyết liệt chủ trương cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, đặc biệt là nỗ lực của ngành thuế và hải quan.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số mặt mà ngành tài chính cần khắc phục. Đó là tỉ lệ nợ công tăng nhanh, 5 năm qua, tăng trung bình 18,4%, nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dư địa chính sách tài khóa rất hạn hẹp. Cân đối NSNN luôn khó khăn. Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Hệ quả là để có đầu tư phát triển, để có tăng trưởng, Chính phủ buộc phải đi vay. Điều này tác động đến nợ công và thâm hụt ngân sách. Chi thường xuyên tăng rất nhanh trong những năm gần đây là nguyên nhân chính làm NSNN luôn căng thẳng.
“Có chuyên gia cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi”, Thủ tướng nói.
Thất thu ngân sách còn lớn, nhất là thuế khoá, mua bán hóa đơn, gian lận kê khai thuế, hoàn thuế. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá ngày càng phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công còn thấp. Lãng phí, thất thoát trong xã hội, trong đầu tư, nhất là sử dụng tài sản công, xe công, NSNN trong đầu tư xây dựng cơ bản… vẫn còn lớn.
Mặc dù tăng 9 bậc, nhưng Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam còn thấp, xếp thứ 82/190 nước và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều tiêu chí xếp hạng của chúng ta rất thấp, trong đó chỉ số nộp thuế đứng thứ 167.
Với mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần đóng vai trò trung tâm thực hiện thành công những mục tiêu này, phấn đấu đi đầu trong thực hiện chủ đề năm 2017: “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”.
|
Thủ tướng tặng tranh và quà cho Bộ Tài Chính |
Bộ Tài chính trong năm 2017 phải vừa thực hiện tốt các công cụ chính sách tài khóa để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải có cải cách đột phá trong thu chi ngân sách để giảm bội chi, kiểm soát chặt nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm chủ yếu. Trước hết là quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chủ trương, giải pháp cân đối NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Cho rằng cần có tư duy mới và phải thay đổi căn bản cách tiếp cận với phương thức quản lý NSNN, Thủ tướng lưu ý, phải rút ra bài học từ các quốc gia mất an toàn về tài chính, khủng hoảng tài chính với nguyên nhân là kỷ luật tài khóa lỏng lẻo và phương thức quản lý không rõ, không công khai, minh bạch, yếu kém về trách nhiệm giải trình.
Tình trạng bất cập, hạn chế về ngân sách hiện nay được dồn lại từ nhiều năm, có yếu tố khách quan, nhưng chủ yếu vẫn từ nguyên nhân chủ quan. Chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hành động thì quản lý ngân sách phải được thiết kế theo hướng khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự chủ, trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cần phải tiến tới bỏ tư duy kinh tế kiểu cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong phân bổ nguồn lực tài chính công và quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu mỗi bộ, ngành, địa phương để xóa bỏ bao cấp, tạo ra động lực phát triển cân đối và toàn diện thời gian tới.
Nhanh chóng thiết lập kỷ luật ngân sách và cải thiện hiệu quả thu chi NSNN. Cụ thể, về thu NSNN, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngay từ đầu năm. Thực hiện nghiêm và hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục miễn giảm thuế nông nghiệp. Đồng thời, rà soát các chính sách ưu đãi thuế hiện hành xem đã hợp lý, hiệu quả chưa. Ưu đãi nào ít có tác dụng mà lại gây thiệt hại cho ngân sách thì cần nhanh chóng hủy bỏ. Cần chấn chỉnh việc lạm thu các khoản đóng góp ở cơ sở đang gây bức xúc trong xã hội.
Về chi NSNN, cần quản lý chặt, quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, cắt giảm chi hội nghị, hội thảo, đoàn ra, chi mua sắm tài sản đắt tiền. Thủ tướng gợi ý Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ tổ chức phiên họp chuyên đề để bàn về việc cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt là chống lãng phí, xa hoa trong chi tiêu ngân sách.
Thủ tướng yêu cầu công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thoát, lãng phí NSNN và tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. “Chúng ta làm điều này là thể hiện tinh thần trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”.
Nhấn mạnh “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, Thủ tướng cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay thì cần dồn tiền làm cái gì cần thiết cho xã hội, cho phát triển. “Chi thường xuyên liên tục tăng lên thì phải hãm phanh lại dứt khoát chứ không phải dự toán rồi cứ chi”, Thủ tướng nêu rõ và quán triệt “không được trích một đồng ngân sách nào để đi biếu xén cấp trên, cấp dưới…”. Bộ Tài chính, Sở Tài chính phải chủ trì, phát hiện bất hợp lý này để phê bình ngành, địa phương chi tiêu lãng phí NSNN.
Đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã thí điểm đi đầu về khoán xe công, được nhân dân rất hoan nghênh, Thủ tướng yêu cầu tổng kết mặt được và chưa được “chứ không chỉ khoán kinh phí đi từ nhà đến cơ quan”.
“Xe công cũng chỉ là một hạt ngọc trong kho châu báu là khối tài sản công khổng lồ đang quản lý rất phân tán, kém hiệu quả của chúng ta. Nguồn lực công lớn nhất là nguồn lực từ trụ sở, đất đai có quy mô rất lớn nhưng chưa được định giá chính xác, sử dụng có phần tùy tiện, là tâm điểm của tham nhũng, của lợi ích nhóm và cũng là điểm nghẽn tăng trưởng của nền kinh tế. Cần phải nghiên cứu và thí điểm áp dụng các phương thức quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực đặc biệt quan trọng này”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt; giảm và bán toàn bộ vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường, tinh thần là “khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải nhỏ đi, từng doanh nghiệp Nhà nước phải mạnh lên”.
Thủ tướng nói: Chúng ta đều biết, cái mắc lớn nhất trong cổ phần hóa là lợi ích và động lực. Để có đột phá, tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính là tư lệnh, chịu trách nhiệm chính trên mặt trận này. Cần cơ chế gì để làm được, các đồng chí cứ mạnh dạn đề xuất, “cần người có người, cần chính sách có chính sách”, Thủ tướng Chính phủ sẽ ủng hộ. Tránh tình trạng nói một đằng, làm một nẻo, để năm 2017 thực sự là năm “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển bền vững”.
Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đối với thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hiện nay nhân lực, biên chế của ngành tài chính khá lớn. Bộ Tài chính cần kiện toàn bộ máy bảo đảm hiệu quả, tinh gọn. Cán bộ ngành tài chính phải có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao và chuyên nghiệp. Kiên quyết không để tình trạng lựa chọn bổ nhiệm sai, gây mất đoàn kết nội bộ và bức xúc dư luận. Cần đưa ra khỏi hệ thống những người kém năng lực, trì trệ, gây cản trở cải cách, đổi mới./.