Trước khi buổi làm việc bắt đầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được nghe báo cáo về tình hình cứu hộ tại các điểm sạt lở những ngày qua ở Quảng Nam, khiến nhiều người chết và mất tích.
|
Thủ tướng chủ trì buổi làm việc với các tỉnh thành miền Trung gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Đà Nẵng. |
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tại các lực lượng chức năng đang đẩy mạnh việc tìm kiếm các nạn nhân mất tịch trong vụ sạt lở núi ở Trà Leng (Nam Trà My) và Phước Lộc (Phước Sơn). Trong sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ huy động 32 thuyền, ca nô tổ chức tìm kiếm tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh vì có thể nạn nhân Trà Leng bị lũ cuốn xuống đó. Mặt khác, flycam tầm soát nhiệt cũng hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân tại hiện trường sạt lở ở Trà Leng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, đến nay, sau 3 ngày tìm kiếm, vẫn còn 14 nạn nhân vụ sạt lở tại Trà Leng mất tích. Điều đáng nói, sau khi máy dò quét, chó nghiệp vụ tìm kiếm, các máy xúc, máy ủi thực hiện đào bới hết lớp đất đá, bùn non sạt lở đến cốt nền, vị trí dày nhất được đào sâu đến 2,5m nhưng lực lượng chức năng vẫn không tìm thấy gì.
Còn tại Phước Lộc, huyện Phước Sơn, lực lượng tại chỗ cũng đang khẩn trương tìm kiếm 6 người mất tích trong vụ sạt lở núi vùi lấp 11 người ở thôn 6. Liên quan đến vụ việc khoảng 200 công nhân nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 bị cô lập, đến 11h hôm nay, các lực lượng đã đưa được 167 người ra ngoài an toàn, những người còn lại đang tiếp tục được đưa ra ngoài.
|
Thủ tướng nghe báo cáo về tình hình tiếp cận tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở tại Nam Trà Mi và Phước Sơn. |
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng chia sẻ mất mát của người dân Quảng Nam và chỉ đạo huy động tổng lực tìm kiến các nạn nhân mất tích.
Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là bàn biện pháp thiết thực để xử lý tình hình khi mà thiệt hại về người và tài sản rất lớn, vẫn còn nhiều người mất tích chưa tìm thấy. Cảnh “màn trời chiếu đất” của người dân vẫn đang đặt ra yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa, vẫn có nơi còn bị cô lập, trẻ em chưa thể đến trường. “Cả hệ thống chính trị vào cuộc, cố gắng hỗ trợ, mỗi người 1 tay giúp dân miền Trung giảm bớt khó khăn”, Thủ tướng mong muốn.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để đề phòng, khắc phục, xử lý kịp thời hơn để ổn định đời sống người dân. Các bộ, ngành, địa phương đều phải có phương án khắc phục tình hình khó khăn rất lớn hiện nay. Thủ tướng cũng đặt vấn đề trước tình hình bão lũ lớn như thế, địa chất công trình thay đổi, về lâu dài, phải xử lý vấn đề quy hoạch thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong tương lai, chứ không phải “nóng đâu, phủ đó”. Bên cạnh đó, cuộc họp cần thảo luận về huy động các nguồn lực cần thiết, hệ thống chính trị vào cuộc, để làm sao sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Báo cáo về tổng hợp tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, khẳng định: “Đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua. Bão số 9 đi nhanh, thời gian đổ bộ vào đất liền từ lúc ở Biển Đông chưa đến 40 tiếng, song cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc đồng bộ. Chính vì vậy, đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.”
|
Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ giúp dân miền Trung. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thiệt hại do bão số 9 tính đến nay đã có 29 chết, 51 người mất liên lạc, trong đó 45 người do sạt lở đất.
Cụ thể, tại Quảng Nam có 47 người (chết 23 người, mất tích 24 người); 23 người mất liên lạc trên 2 tàu cá tại Bình Định; 10 người chết, mất tích ở các tỉnh Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. 727 nhà sập hoàn toàn (riêng Quảng Ngãi có 325 nhà, Quảng Nam có 288 nhà); 176.797 nhà bị hư hỏng (riêng Quảng Ngãi có 140.033 nhà, Quảng Nam có 27.649 nhà).
|
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi báo cáo về tình hình thiệt hại tại địa phương. |
Theo số liệu các tỉnh báo cáo, thiệt hại ước tính của các tỉnh, thành trên khoảng 10.000 tỷ đồng. Về giao thông, có 93,6km đường bị sạt lở, hư hỏng, 745.566 m3 khối lượng đất đá sạt lở, bồi lấp. 85 cầu bị hư hỏng gồm Nghệ An 26; Quảng Trị 1, TT. Huế 16, Quảng Nam 1, Quảng Ngãi 10, Bình Định 2; Kon Tum 29.
Sau khi thảo luận, bàn bạc, các địa phương đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp. Theo đó, về gạo cần 2.500 tấn gạo (Quảng Ngãi 1.000 tấn; Quảng Nam 1.000 tấn; Bình Định 500 tấn). Ngoài ra, Bộ NN&PTNN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 800 tỷ đồng cho 6 tỉnh (Quảng Nam 250 tỷ đồng, Quảng Ngãi 250 tỷ đồng, Bình Định 150 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 50 tỷ đồng, Nghệ An 50 tỷ đồng và Kon Tum 50 tỷ đồng).