Ly kỳ vụ người đàn ông đau ruột thừa bị chẩn đoán nhầm kiện bệnh viện

(PLVN) - Vụ việc hy hữu xảy ra tại Đức năm 2006. Người đàn ông 46 tuổi nhập viện do bị đau bụng. Suốt 4 ngày các bác sĩ chẩn trị vẫn không hết đau, bệnh nhân được cho ra viện để chữa bệnh ở nhà. Chỉ mấy giờ sau khi về đến nhà, người này phải vào viện cấp cứu vì chứng bệnh viêm ruột thừa đã bị vỡ. 
Ly kỳ vụ người đàn ông đau ruột thừa bị chẩn đoán nhầm kiện bệnh viện

Ở nước Đức vừa có một vụ kiện tụng được toà án phân xử dứt điểm sau 14 năm và trải qua 3 tòa án khác nhau xét xử. Với phán quyết cuối cùng dành phần thắng cho bên nguyên, tòa án cuối cùng này được dư luận chung xác nhận là đã đưa lại công lý và công bằng cho bên nguyên. Dù vậy, vụ việc chưa trả lời được ổn thỏa câu hỏi về cách xét xử vụ việc của toà như thế là hợp pháp hay tắc trách.

Vụ việc xảy ra năm 2006. Người đàn ông (khi ấy 46 tuổi) bị đau bụng và được nhập viện. Trong suốt 4 ngày sau đấy, các thầy thuốc trong bệnh viện khám bệnh, xét nghiệm và chuẩn đoán đủ kiểu, rồi tiến hành điều trị nhưng người bệnh vẫn không hết đau. Bệnh viện cho người này ra viện để chữa bệnh ở nhà. Chỉ mấy giờ sau khi về đến nhà, người này phải đi cấp cứu và khi ấy các thầy thuốc mới phát hiện ra là người này bị viêm ruột thừa và ruột thừa đã bị vỡ. 

Ca phẫu thuật sau đấy giúp bệnh nhân không bị tử vong, nhưng không biết các thầy thuốc điều trị hậu phẫu kiểu gì mà người bệnh bị áp xe và phải chịu di chứng lâu dài rất trầm trọng. Trong suốt nhiều năm sau đấy, người này thường xuyên bị đau khắp vùng bụng và không làm được những công việc thông thường. Cuộc sống thường nhật và thu nhập từ lao động của người này bị ảnh hưởng. Người này kiện bệnh viện với cáo buộc bệnh viện chữa bệnh vô trách nhiệm và thiếu chuyên môn.

Tòa án mở phiên toà xét xử và khuyến nghị hai bên hòa giải, cụ thể là đề nghị bệnh viện bồi thường cho người đàn ông kia 150.000 euro. Phía bệnh viện không chấp nhận hòa giải và cho rằng đã không phạm phải sai lầm gì trong suốt quá trình chữa bệnh cho người kia. Năm 2010, vụ việc được chuyển đến phân xử ở một toà án khác. 

Tòa án thứ hai, sau 10 năm thụ lý vụ việc đã phán xử chỉ buộc bệnh viện bồi thường cho người đàn ông kia có 20.000 euro. Phán xử này được đưa ra hồi tháng 3 năm nay. Đương nhiên, người đàn ông không đồng ý. Người này nhận thấy rằng nếu chỉ kiện tụng không như thế thì không thể thắng được trước tòa nên đã tự học và tìm hiểu về chuyên môn y học cũng như pháp luật để hiểu rõ vụ việc và tự biết được cách biện luận cho yêu cầu của mình. 

Ông ta tìm được luật sư và những nhà chuyên môn giúp xác định là tình trạng sức khỏe tồi tệ hiện tại của mình là hậu quả của lần phẫu thuật và chữa bệnh chứ không phải do tiền sử bệnh tật. Trước những chứng cứ và biện luận khoa học mới từ phía bên nguyên cáo, tòa án đã phán xử buộc phía bệnh viện phải bồi thường 200.000 euro. 

Câu hỏi được đặt ra ngay ở đây là bản chất của việc xử án là tòa án phân định đúng sai giữa bên nguyên và bên bị dựa trên kết quả công việc điều tra, thẩm định và kết luận về vụ việc; hay lại là bên nguyên phải tự chứng minh rằng mình có lý. Công việc xử án là tòa án cầm cân nảy mực hay một trong hai bên đương sự có trách nhiệm phải thuyết phục được tòa án tin rằng bên mình có lý trong vụ xét xử.

Pháp luật hợp pháp hóa cách xét xử ấy cho tòa án hay tòa án đã tắc trách khi để cho các bên đương sự phải tự chứng minh là lý thuộc về phía mình? Chẳng lẽ đối với luật pháp và tòa án, công sức và tiền của, tâm huyết và thời gian của đôi bên vì quyền lợi chính đáng chẳng xứng để được quan tâm đến hay sao?

Đọc thêm