Nhấn mạnh, trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” vẫn còn nguyên giá trị, Thủ tướng lưu ý, “Virus chủng mới lây lan rất nhanh, chúng ta cần hành động nhanh hơn, xét nghiệm nhanh trên diện rộng, thần tốc truy vết và thực hiện những biện pháp đồng bộ khác để ngăn chặn kịp thời và hiệu quả việc lây nhiễm ra cộng đồng ở các địa phương".
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "phải nhanh chóng dập dịch trước Tết" và khoanh gọn các ổ dịch là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay của cả hệ thống chính trị.
Các cấp, các ngành phải đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan phòng chống dịch; tiếp tục thực hiện chiến lược lấy phòng dịch làm ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong và thực hiện chữa trị hiệu quả.
Bán sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để đối phó với làn sóng mới lây nhiễm COVID-19. Các địa phương phải nêu cao cảnh báo dịch, kìm hãm tốc độ và chặn đứng lây nhiễm trong thời gian sớm nhất; đảm bảo xét nghiệm nhanh trên diện rộng đối với tất cả người có triệu chứng và những người tiếp xúc gần với người bệnh.
Thủ tướng đồng ý kích hoạt hệ thống bệnh viện dã chiến, đào tạo tập huấn lại cho các nhân viên y tế; đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế để điều trị cả bệnh nhân COVID-19 và những bệnh nhân khác.
Những địa phương có ca nhiễm mới trong cộng đồng cần thực hiện giãn cách xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, cần khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ không nên làm quá rộng mà tê liệt các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn nhưng cũng không làm quá hẹp để lây nhiễm có thể lan ra. Tiếp tục thực hiện mục tiêu nhưng phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, cần phát huy tinh thần 4 tại chỗ, các cấp ủy và chính quyền địa phương cần chủ động, sâu sát, sáng tạo, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch. Cho dừng các hoạt động không cần thiết, tập trung đông người; hạn chế tập trung đông người ở đám ma, đám cưới...
Thủ tướng yêu cầu ngành y tế, chính quyền địa phương phải chuẩn bị đầy đủ để thực hiện truy vết thần tốc, khoang vùng dập dịch triệt để, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung trong thời gian 21 ngày.
Các địa phương phải yêu cầu người dân thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” của Bộ y tế; hạn chế tối đa việc tổ chức các hoạt động liên hoan, tổng kết cuối năm, ở các vùng, miền trên cả nước chứ không chỉ là ở nơi có dịch.
“Bộ Y tế sớm trình Thủ tướng phương án sản xuất, mua vaccine trên tinh thần sử dụng ngân sách và xã hội hoá nguồn lực, bảo đảm quyền lợi cho người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sau khi xin ý kiến cấp uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ thì toàn quyền xử lý, quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, kể cả việc mua vật tư, thiết bị trong tình huống khẩn cấp.
Bộ Y tế cần tiếp tục thiết lập đường dây nóng. Các cấp, các ngành chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống tình trạng găm hàng, ép giá để thao túng thị trường, xử lý nghiêm vi phạm. Giãn cách xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, vì vậy, các địa phương cân nhắc sử dụng biện pháp này một cách cụ thể, bảo đảm cuộc sống cho người dân.