Thủ tướng yêu cầu giảm tiếp xúc giữa doanh nghiệp với người thực thi công vụ

(PLO) - Đây là yêu cầu của Thủ tướng đối với Bộ Tài chính được Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt khi kiểm tra tại Bộ Tài chính về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và việc rà soát, đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không đồng bộ, không hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Đi đầu trong cải cách hành chính

Tại buổi làm việc ngày hôm qua (6/4), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của toàn ngành Tài chính, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng đã đạt nhiều thành tựu lớn, góp phần vào kết quả chung của cả nước.

Cùng với việc bảo đảm thu, chi ngân sách năm 2017 khá tốt, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn theo hướng bền vững, xây dựng thể chế, Bộ đã chú trọng kiểm tra sau thông quan những mặt hàng mang tính phức tạp, những nhóm hàng có kim ngạch lớn nhưng dễ bị gian lận thương mại với những cải cách rất tốt.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính có tiến bộ rất rõ trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa ASEAN tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian rất đáng kể, được các nước, các tổ chức ghi nhận, đánh giá. Thời gian nộp thuế của doanh nghiệp từ 537 giờ năm 2013 giảm còn 170 giờ. Thời gian giải phóng hàng cũng giảm từ 42 giờ năm 2014 xuống còn 34 giờ năm 2016. Bộ cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.072 thủ tục hành chính, đi đầu trong cải cách với số liệu minh chứng cụ thể.

7 vấn đề cần làm rõ

Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ thêm và có giải pháp thực hiện 7 vấn đề. Cụ thể, Bộ cần chủ động hơn, tích cực tham mưu mang tính chiến lược tầm quốc gia tại các hội nghị lớn do Thủ tướng chủ trì.

Thứ hai, tiếp tục cải cách, đổi mới tinh gọn bộ máy cán bộ. “Thủ tướng nói là anh em cố gắng xuống cơ sở nhiều hơn để nắm bắt những khó khăn ở cơ sở, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty trong thực hiện các chính sách. Ví dụ, hiện chủ trương là không đầu tư công nghệ thông tin mà phải thuê dịch vụ công nghệ thông tin thì cơ chế thế nào để tạo thuận lợi cho các cơ quan”, Bộ trưởng Dũng truyền đạt.

Thứ ba, thực hiện tốt việc sử dụng, quản lý tài sản công, bảo đảm đúng định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, nhất là trong mua sắm ô tô; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công. Thứ tư, với vai trò là bộ tổng hợp, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần phối hợp mạnh mẽ hơn, những nội dung mà các bộ, cơ quan, địa phương trao đổi thì chủ động xử lý để công việc nhanh hơn, không để nợ đọng, chậm trễ nhiệm vụ.

Thứ năm, Bộ đã có nhiều giải pháp nhưng cần cố gắng giảm hơn nữa nợ đọng thuế; giảm tiếp xúc giữa doanh nghiệp với người thực thi công vụ, chống thất thu với hộ kinh doanh cá thể… Thứ sáu, Hải quan đã cải cách một bước mạnh mẽ, nhưng lưu ý cố gắng quản lý cán bộ hải quan chặt chẽ hơn, hạn chế tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, lưu ý văn hóa ứng xử. Vấn đề cuối cùng là công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp, thoái vốn, các doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không chịu lên sàn. 

Đọc thêm