Niềm đam mê không còn là của riêng con trẻ
Khi nhắc đến đồ chơi, nhiều người thường nghĩ đó chỉ là sở thích của trẻ con. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng, người trưởng thành cũng có thể chơi và sở hữu chúng. Việc xuất hiện ngày càng nhiều người trưởng thành sưu tập đồ chơi là minh chứng rõ ràng nhất cho việc đồ chơi không phải là đặc quyền của trẻ con và sự yêu thích với đồ chơi có thể vượt qua giới hạn tuổi tác.
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, giới trẻ Việt Nam đang rộ lên “cơn sốt” săn lùng món đồ chơi đặc biệt: linh vật chú thỏ răng nanh với nụ cười tinh nghịch. Vì đang là hiện tượng trong lòng giới trẻ nên món đồ chơi này cực kỳ khan hiếm, thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy hàng”.
Với độ “hot” hiện tại, những người săn lùng đã khiến mặt hàng này bị đẩy giá lên đến mức khó tưởng, nếu như trước đây giá chỉ khoảng 380.000 đồng, giờ đã bị đẩy lên gấp đôi trên thị trường. Thậm chí, có nơi còn bán gần 1 triệu đồng cho món đồ chơi bé bằng bàn tay, nhưng vẫn có rất nhiều người sẵn sàng chi tiền để được sở hữu.
Được biết, món đồ chơi này có tên gọi Labubu, là một món art toy (tạm dịch: đồ chơi nghệ thuật), thuộc thương hiệu Vương quốc Quái vật của Pop Mart. Sản phẩm được cho ra mắt và nổi tiếng vào năm 2015 nhưng đến gần đây Labubu đột nhiên “sốt” trở lại ở châu Á, được các bạn trẻ Việt đua nhau săn lùng.
“Bước ngoặt” để Labubu bắt đầu trở thành hiện tượng là khi một nữ siêu sao người Hàn Quốc đăng tải bức ảnh chụp cùng món đồ chơi này lên Instagram. Gần như ngay lập tức, linh vật Labubu được các bạn trẻ nồng nhiệt săn đón. Nhiều người không chỉ sở hữu cho mình một món mà còn sưu tập trọn bộ Labubu đủ các phiên bản, kích thước với những cái giá “không tưởng”.
Du nhập vào thị trường Việt Nam từ khá lâu nhưng phải đến những năm trở lại đây, sân chơi art toy mới bắt đầu phát triển. Thực tế, Labubu không phải là linh vật art toy đầu tiên nổi tiếng tại Việt Nam, trước đó đã có nhiều cái tên làm giới trẻ chao đảo.
Với sự đa dạng về mẫu mã và phân khúc giá cả, các mẫu art toy thu hút sự chú ý của nhiều người, từ những “tay mơ” mua theo trào lưu, những người yêu thích đồ chơi nghệ thuật cho đến tín đồ sưu tập chuyên nghiệp. Tất cả đều bị cuốn hút bởi những sản phẩm không chỉ là đồ chơi mà còn sở hữu thiết kế sáng tạo, chỉn chu và mang đậm tính nghệ thuật.
Cùng với art toy, figure (tạm dịch: mô hình nhân vật) cũng là loại đồ chơi khiến biết bao người trưởng thành đam mê. Figure thường là những mô hình độc đáo về các nhân vật có trong truyện tranh, phim ảnh cũng như các trò chơi “bom tấn”.
Dù đã du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, figure vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Nhiều hội nhóm và cộng đồng chơi figure đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, chứng tỏ sức hấp dẫn và sự yêu thích đối với loại đồ chơi này.
Tuy được gọi là đồ chơi nhưng figure hầu như chỉ dành cho người lớn, những người có đủ kiến thức và điều kiện kinh tế để theo đuổi thú chơi này, không khác những môn sưu tầm tem hay đồ cổ.
Không thiếu những mô hình nhân vật với tỷ lệ 1:1, cao đến 2m được bán với giá hàng chục triệu đồng, đương nhiên figure càng hiếm giá lại càng đẩy lên cao. Với giá trị như vậy, figure chắc chắn không chỉ đơn thuần là đồ chơi hay những mô hình nhựa mà còn là một thú vui chứa đựng sự cầu kì, tỉ mỉ cũng như mang đậm chất nghệ thuật và đam mê của người chơi.
Ngoài ra, nói đến đồ chơi của người trưởng thành không thể không kể đến đồ chơi lắp ráp hay còn được gọi bằng tên của một thương hiệu nổi tiếng toàn thế giới, Lego. Nhắc đến Lego, ai cũng biết đây là một trong những “ông hoàng” trong giới đồ chơi lắp ráp, gắn liền với hành trình lớn lên và phát triển của nhiều trẻ em trên toàn cầu.
Đáng nói, không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm và chiến dịch dành cho trẻ em, Lego còn chú trọng phát triển nhóm AFOL (Adult Fan of Lego, tạm dịch: những khách hàng trưởng thành của Lego).
Với những miếng nhựa plastic đa màu sắc, dòng sản phẩm với đặc điểm đòi hỏi kỹ năng lắp ráp và mang ý nghĩa trưng bày nhiều hơn là chơi đã “chiều lòng” được những vị khách người trưởng thành. Lego giúp người trưởng thành có khoảng thời gian để thoả sức sáng tạo thay vì cứ vùi mặt vào màn hình điện thoại.
Sự thỏa mãn chơi Lego không chỉ đến từ thành phẩm hoàn thiện cuối cùng mà còn từ quá trình lắp ráp. Điều này làm cho Lego không chỉ là một trò chơi giải trí mà còn là một công cụ tuyệt vời để rèn luyện sự kiên nhẫn, sự tập trung và khả năng sáng tạo, mang lại những trải nghiệm giá trị và bổ ích cho người trưởng thành.
Thoạt nhìn, việc người lớn chơi đồ chơi trẻ con có vẻ ngược đời, vì đồ chơi thường được coi là công cụ để chuẩn bị cho thế giới thực và cần được bỏ lại khi trưởng thành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng khách hàng kidult - một thuật ngữ kết hợp giữa từ “kid” (trẻ con) và “adult” (người lớn) đang ngày càng gia tăng. Từ đó, thị trường đồ chơi cũng đã bắt đầu mở rộng, để người trưởng thành được đáp ứng thú vui cho những tâm hồn “mãi bé”.
Tất cả người lớn đều đã từng là trẻ con…
Người ta vẫn thường nói trong thế giới của người trưởng thành không có điều gì dễ dàng cả, ai cũng đã từng khóc thầm giữa đêm khuya, thấu hiểu cảm giác bị cuộc đời vùi dập bằng hàng tá những áp lực không tên. Hay cảm giác bất lực, gục ngã trước những thử thách để chinh phục cái gọi là “cơm áo gạo tiền” hay “tiền tài danh vọng”. Chính vì những cảm giác đó mà thế giới của người trưởng thành ngày càng khó tìm thấy niềm vui, bởi lẽ càng mang nhiều trách nhiệm thì đương nhiên niềm vui cũng vơi đi từng chút.
Toy art - thú vui sưu tầm đồ chơi của người trưởng thành. (Ảnh minh họa: Châu Muối) |
Để tìm lại niềm vui ấy, nhiều người trưởng thành thường bồi hồi nhớ lại thời thơ ấu với nỗi xúc động dạt dào. Vì tất cả người lớn đều đã từng là trẻ con, vậy nên ở một khoảnh khắc nào đó nhiều người mong ước được trở về làm một đứa trẻ bởi đó là một thế giới ngây thơ, không có những toan tính hay trách nhiệm.
Khi ấy niềm vui thì nhiều vô kể và có thể dễ dàng tìm thấy từ những điều giản đơn, nhỏ bé như những món đồ chơi. Chính vì vậy, nhiều người trưởng thành tìm đến đồ chơi không chỉ để thỏa mãn đam mê và thú vui cá nhân, mà còn để hoài niệm về một thời đã qua hoặc tìm kiếm lại niềm vui đã lạc mất từ lâu.
Đồng thời, nhìn từ góc độ tâm lý học, việc người trưởng thành tìm về với những hoạt động quen thuộc, dễ chịu của thời thơ ấu có thể giúp họ giảm bớt áp lực từ cuộc sống. Theo TS tâm lý học Carla Marie Manly, trong ký ức của người trưởng thành, các trải nghiệm vui chơi như đạp xe, chơi đồ chơi hay hóa trang với bạn bè thường được nhớ đến như “ví dụ đẹp nhất về sự tự do và niềm vui”. Hơn thế, đồ chơi còn có thể giúp những cá nhân trưởng thành tìm lại và chữa lành cho đứa trẻ bên trong mình. Dưới các áp lực cuộc sống điều này lại càng trở nên dễ hiểu.
Đối với Bảo Linh (27 tuổi, Hà Nội), cô nàng văn phòng đam mê sưu tầm art toy, đồ chơi không chỉ đáp ứng giá trị vật chất, mà cả giá trị tinh thần. “Ngoài việc sưu tầm và trưng bày những món đồ chơi yêu thích, art toy còn mang đến cho tôi các giá trị tinh thần. Giá trị đặc biệt nhất có lẽ là tấm vé trở về những ngày ấu thơ vô tư và những phút giây thoát ly khỏi bộn bề cuộc sống”, Bảo Linh chia sẻ.
Có thể thấy, đối với người trưởng thành, niềm đam mê đồ chơi giúp họ có được niềm vui từ những điều giản đơn, nhỏ bé, đồng thời giúp họ giảm bớt căng thẳng và áp lực trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, việc “khai quật” được tình yêu cho các món đồ chơi không phải điều gì đáng xấu hổ mà là một phần trong việc tìm kiếm sự cân bằng và hạnh phúc trong cuộc sống của người trưởng thành.