Tiết kiệm ồn ào - xu hướng mới của giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong năm 2024, thay vì khoe khoang về sự giàu có hay những chi tiêu xa xỉ, ngày càng nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, lựa chọn công khai và tự hào về lối sống tiết kiệm của mình. Họ chia sẻ những mẹo tiết kiệm, cách quản lý tài chính thông minh và chiến lược chi tiêu hợp lý.
Xu hướng “tiết kiệm ồn ào” được nhắc đến nhiều trong năm 2024. (Ảnh minh hoạ - Nguồn- Getty Images)
Xu hướng “tiết kiệm ồn ào” được nhắc đến nhiều trong năm 2024. (Ảnh minh hoạ - Nguồn- Getty Images)

Rủ nhau 1.001 cách tiết kiệm

“Vun vén - Chi tiêu thông minh - Tích luỹ cho tương lai - Ổn định tài chính” là những mục tiêu được đề ra trong một hội nhóm trên Facebook có tên “Vén khéo”. Với hơn 500 nghìn thành viên tham gia, mỗi ngày nhóm nhận về hàng chục câu hỏi nhờ tư vấn về vấn đề chi tiêu, quản lý tài chính, cách tiết kiệm tiền,… Các thành viên trong nhóm cũng thường xuyên chia sẻ, bàn luận về những kinh nghiệm, mẹo nhỏ giúp vun vén chi tiêu sao cho hợp lý trong hiện đại ngày nay. Nhờ vậy, “Vén khéo” đã trở thành một cộng đồng đông đảo và là cộng đồng phổ biến của những ai đang tìm cách tiết kiệm và quản lý tài chính tốt hơn.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, Hà Nội vẫn là địa phương có mức giá sinh hoạt cao nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh xếp ở vị trí thứ 2. Trước sự tăng cao của mức giá sinh hoạt, cộng với bối cảnh kinh tế khó khăn, cơ hội việc làm khan hiếm, người dân đang sinh sống ở các thành phố lớn đang dần thay đổi xu hướng chi tiêu của mình. Vì vậy, “làm sao để vén khéo, chi tiêu tiết kiệm?” là chủ đề đang được nhiều người quan tâm, bất kể họ có thu nhập cao hay thấp. Trong khi, cá nhân nào thu nhập dư dả thì việc tiết kiệm sẽ bớt khó khăn hơn, song với những cá nhân có thu nhập chưa cao, còn đang sống ở thành phố lớn thì lại là câu chuyện khác.

Thực tế, việc tiết kiệm không chỉ là nhu cầu của một vài cá nhân mà đang trở thành xu hướng chung của toàn xã hội. Nếu trong năm 2023, “xa xỉ thầm lặng” (quiet luxury) là xu hướng được nhắc đến nhiều, thì bây giờ nó dự kiến sẽ bị thay thế bởi một xu hướng tài chính mới, đó là “tiết kiệm ồn ào” (loud budgeting). Đây là xu hướng được hình thành để nhóm người có ngân sách không quá dư dả quyết định sống tiết kiệm và tự hào về điều đó. Theo Wall Street Journal, từ đầu năm 2024, trên các nền tảng xã hội, trào lưu “tiết kiệm ồn ào” bắt đầu nở rộ và điều không ngờ là khái niệm này đã và đang lan tỏa khắp thế giới.

Tại Việt Nam, xu hướng này cũng được ủng hộ và hưởng ứng, nhất là ở nhóm người tiêu dùng trẻ. Với xu hướng “tiết kiệm ồn ào”, nhiều người trẻ sẵn lòng nói “không” với những thứ không đáng và thay đổi lối sống của mình để tiết kiệm. Họ có thể hạn chế các cuộc gặp gỡ bạn bè, giảm chi tiêu cho các hoạt động không cần thiết và tập trung vào những khoản chi thực sự quan trọng. Chẳng hạn như, thay vì đi ra hàng nhuộm tóc, bạn sẽ nhuộm tóc tại nhà hoặc từ chối tham dự một cuộc họp mặt không thực sự thân thiết.

Công khai lối sống tiết kiệm của mình trên mạng xã hội và tự hào về việc này. Họ khuyến khích nhau tiết kiệm và chia sẻ cách tiết kiệm tiền ăn trong một tháng hoặc cách so sánh giá để mua sắm thông minh. Đơn cử như nhóm “Vén khéo” trên Facebook hay các video chia sẻ công khai trên Tiktok về cách tiết kiệm, làm sao chỉ tốn tiền ăn khoảng 1 triệu đồng/tháng/người, lương 6 triệu chi tiêu thế nào cho đủ sống mà vẫn có khoản dư ra,…

Là một người đi theo xu hướng “tiết kiệm ồn ào”, T.Duy (26 tuổi, Hà Nội) bày tỏ quan điểm, tiết kiệm không chỉ là một cách để quản lý tài chính mà còn là một phần quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch tương lai và lối sống bền vững. “Tôi thường chia sẻ các mẹo tiết kiệm trên mạng xã hội vì tôi muốn chứng minh rằng việc sống tiết kiệm không hề nhàm chán. Ví dụ, tôi đã tìm ra những cách giảm chi phí ăn uống mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, thậm chí còn tốt cho sức khỏe hơn so với trước kia suốt ngày đi ăn ngoài. Đồng thời, tôi cũng chia sẻ những chiến lược chi tiêu hợp lý để có thể tiết kiệm một phần thu nhập mỗi tháng. Việc này không chỉ giúp tôi giữ được tài chính ổn định mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người khác”, T.Duy chia sẻ.

Hãy tiết kiệm có chiến lược

Đã từng có thời gian giới trẻ bị coi là thế hệ tiêu xài phung phí, không biết tiết kiệm hay không biết lo nghĩ cho tương lai sau này. Không ít gia đình đã từng đau đầu khi thấy con cái của họ mắc căn bệnh “nghiện mua sắm”, thích ăn chơi và thích hưởng thụ. Để rồi không ít bạn trẻ dù tuổi đời còn ít nhưng dư nợ ngân hàng đã lên đến 7, 8 số 0 chỉ vì chi tiêu sai lầm. Vậy nên, khi giới trẻ bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm và thực hiện nó một cách nghiêm túc, đó thực sự là một tín hiệu tích cực và đáng mừng.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng nếu như quá lạm dụng xu hướng này, các bạn trẻ có thể bỏ lỡ những trải nghiệm xã hội có giá trị. Việc quá tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu và quản lý tài chính có thể dẫn đến việc hạn chế tham gia vào các hoạt động giao lưu, khám phá và phát triển bản thân. Điều này còn có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ, công việc hay thậm chí là sức khỏe, những điều mà không thể đo đếm bằng tiền bạc.

Theo quan điểm của TS Trương Tuấn Anh, chuyên gia tài chính, xu hướng “tiết kiệm ồn ào” khẳng định rằng việc có các mục tiêu tài chính rõ ràng và hy sinh để đạt được chúng là điều bình thường. Trước đây, Gen Z thường gặp khó khăn trong việc tiết kiệm vì bị cám dỗ bởi các sản phẩm và trải nghiệm xa xỉ trên mạng xã hội. Nhưng với tình hình kinh tế khó khăn và lạm phát cao, họ đã chuyển hướng đến việc tìm kiếm sự ổn định tài chính hơn.

Tuy nhiên, chỉ khi tiền được dùng cho việc cải thiện cuộc sống con người nó mới mang giá trị tinh thần. Vậy nên lối sống tiêu dùng cũng không đáng bị chỉ trích, vì nó khuyến khích các bạn trẻ làm việc chăm chỉ bù đắp vào các khoản đã chi tiêu. Đồng thời, lối sống tiêu dùng đem lại sự phát triển cá nhân tốt hơn và lối sống tiêu dùng sẽ nằm trong nòng cốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Còn với ông Nguyễn Hữu Trí, một trong những diễn giả, Youtuber được giới trẻ yêu thích, nếu không cân nhắc một cách bình tĩnh và từ tốn thì có khi chúng ta bị kéo rời xa khỏi bản chất của hành vi tiết kiệm. “Mọi người luôn nghĩ tiết kiệm là cắt giảm chi phí của mình nhưng thực ra không phải như vậy. Bản chất của tiết kiệm là tinh giản nhu cầu chứ không phải cắt giảm chi tiêu. Thay vì chúng ta hướng ra bên ngoài, cố gắng tìm được cái sản phẩm khuyến mại rẻ thì người khôn ngoan hiểu bản chất tiết kiệm sẽ sàng lọc và lược bỏ bớt nhu cầu của mình”, ông Nguyễn Hữu Trí chia sẻ.

Có thể thấy, thông qua xu hướng “tiết kiệm ồn ào” giới trẻ ngày càng thực tế hơn, biết trân trọng đồng tiền và chú trọng vào việc quản lý chi tiêu sao cho hợp lý. Thay vì chạy theo những xu hướng tiêu dùng hào nhoáng, nhiều bạn trẻ hiện nay ưu tiên tích luỹ tiết kiệm, xây dựng kế hoạch tài chính cho tương lai và chỉ đầu tư cho các giá trị lâu dài. Sự thay đổi này không chỉ giúp họ quản lý ví tiền thông minh hơn mà còn phản ánh một lối sống có trách nhiệm và bền vững của giới trẻ.

Đọc thêm