Với tốc độ này thì mỗi năm dự án này chỉ làm được… 1km và đang là dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ nhất cho tới thời điểm hiện tại của Việt Nam và có thể coi là của thế giới hiện đại. Nguyên nhân muôn thuở lại được nêu ra: tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ, dẫn đến chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, tiến độ thi công bị ảnh hưởng… Siêu dự án “rùa bò” luôn có lý do.
Hậu quả của lùi tiến độ là gì? Phải nói là “thiệt đơn, thiệt kép”. Trước hết là tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu của dự án này là 783 triệu euro, nhưng đến năm 2013 tổng mức đầu tư phê duyệt đã tăng lên 1,176 tỷ euro (tương đương 32.910 tỷ đồng), tăng 393 triệu euro. Đáng nói, tình trạng này không chỉ diễn ra tại dự án số 3 này mà “phổ cập” ở cả 4 đại dự án đường sắt đô thị tại cả Hà Nội và TP HCM.
Tuyến Cát Linh - Hà Đông hoàn thành được 95% thì phải dừng vì thiếu vốn. Tổng mức đầu tư năm 2008 là 552,86 triệu USD thì tới năm 2016 là 868,04 triệu USD, mỗi ngày phải trả lãi vay ít nhất 1,2 tỷ đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, dự án Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt năm 2005 với tổng mức đầu tư ban đầu 17.000 tỷ đồng, đến năm 2010 đã lên tới 47.000 tỷ đồng. Dự án Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư từ 26.000 tỷ đồng đã điều chỉnh lên 48.000 tỷ đồng. Cả hai dự án này đều chậm chạp và thiếu vốn.
Ai chịu? Thưa rằng, người dân thôi. Tuyến Cát Linh – Hà Đông chẳng hạn, mỗi ngày 1,2 tỷ đồng lãi vay, thế là bằng bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu ngôi trường, bao nhiêu cơ hội đổi đời cho người nghèo trên đất nước?. Nếu dự án được đưa vào khai thác đúng tiến độ, thông thoáng giao thông, sinh lời bao nhiêu? Phần mất mát này không ai đo đếm được.
Đấy là chưa nói đến những thiệt hại vô hình không đong đếm được: ùn tắc giao thông, chậm giờ làm việc, ô nhiễm đô thị, gây tâm lý bực bội cho người dân đô thị hàng này vẫn phải đi qua nơi có dự án.
Có những nguyên nhân, thật khó chấp nhận hoàn toàn về chủ quan. Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, được một cán bộ lãnh đạo giải thích rằng, chậm tiến độ nghiêm trọng do năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án của chủ đầu tư đối với các dự án lớn và phức tạp còn hạn chế; công tác quản lý hợp đồng với tư vấn Systra còn nhiều bất cập. Tư vấn Systra là tư vấn lớn, nhiều kinh nghiệm về đường sắt đô thị nhưng thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý, quy trình thủ tục ở Việt Nam, dẫn đến quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc.
Dự án siêu “rùa bò” phản ánh tình trạng “cha chung không ai khóc” và “tiền chùa” không ai xót. Sự vô cảm nhân lên khi việc xử lý trách nhiệm không thể làm được.
Thưa các bác, dân xót lắm ạ!