Thừa phát lại hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp

(PLO) - Với 3 nhiệm vụ chính được giao đã phản ánh trong những bài viết trước thì mục đích quan trọng của Thừa phát (TPL) lại là tạo lập nguồn chứng cứ cho người dân trong quá trình xét xử các vụ án dân sự. Tuy nhiên, các hoạt động của TPL còn góp sức, chung tay giúp cho công việc của một số cơ quan nhà nước đỡ “nặng gánh” một phần.
Văn phòng TPL quận 8, TP.HCM hướng dẫn người dân các thông tin cần thiết khi yêu cầu lập vi bằng
Văn phòng TPL quận 8, TP.HCM hướng dẫn người dân các thông tin cần thiết khi yêu cầu lập vi bằng
Giảm tải công việc cho chấp hành viên
Theo các quy định hiện hành, TPL là người có đủ các tiêu chuẩn do pháp luật quy định, được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự (THADS) (bao gồm xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự); tống đạt giấy tờ của Tòa án và của cơ quan THADS cho đương sự; lập vi bằng (ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác) và làm các công việc khác theo quy định của pháp luật có liên quan. TPL hành nghề thông qua hình thức Văn phòng TPL. 
Với việc giao cho TPL thực hiện 3 nhiệm vụ chính mang tính truyền thống của TPL như trên, mô hình TPL là một thiết chế nghề nghiệp độc lập thực hiện các công việc về THADS theo nhu cầu của cá nhân, tổ chức; đồng thời cũng vừa làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp, mà cụ thể là hỗ trợ Tòa án, cơ quan THADS trong việc tống đạt giấy tờ và lập vi bằng có giá trị chứng cứ trước Tòa.
Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP.HCM và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 61 quy định, Văn phòng TPL được thỏa thuận để tống đạt các văn bản của Tòa án và cơ quan THADS. 
Chỉ riêng đối với cơ quan THADS, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Lực chia sẻ: “Thực tế cho thấy, chấp hành viên của chúng tôi phải  dành 30% tổng số thời gian để làm các thủ tục hướng dẫn cho đương sự, đi xác minh, tống đạt giấy báo, giấy mời. TPL được thành lập và hoạt động đi vào nền nếp góp phần giảm tải khối lượng công việc này cho chấp hành viên. Không phải làm các công việc đó nữa, chấp hành viên có nhiều thời gian để giải quyết án chất lượng hơn”.
Số liệu thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, chỉ trong 2 năm triển khai thí điểm mô hình TPL tại TP.HCM, các Văn phòng TPL đã thực hiện tống đạt 103.218 văn bản với tổng chi phí thu được bước đầu gần 6,6 tỷ đồng. Về cơ bản, các Văn phòng TPL đã thực hiện tốt, đúng pháp luật việc tống đạt các văn bản, giấy tờ cho Tòa án và cơ quan THADS. 
Việc mở rộng mô hình này thêm ở 12 địa phương nữa thì khối lượng văn bản được TPL tống đạt sẽ còn cao hơn nữa, góp phần tăng thu ngân sách, đáp ứng đúng tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, thi hành án của Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp.
Ngoài ra, vi bằng do TPL lập không chỉ giúp người dân giải quyết các tranh chấp phát sinh trong cuộc sống; giúp các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình về dân sự, kinh tế, thương mại, hành chính, lao động mà còn giúp cho các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết các việc liên quan đến người dân được khách quan, chính xác, kịp thời, phù hợp pháp luật. Đặc biệt, trong quá trình xét xử các vụ việc dân sự, vi bằng là nguồn chứng cứ đáng tin cậy cho các cấp Tòa án mà Tòa án không phải bỏ thời gian, nhân lực, kinh phí để chứng minh do người dân đã tự mình thu thập.
Hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp
Báo cáo trước Quốc hội về việc thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội hồi tháng 11/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định: “Đối với hoạt động tư pháp và liên quan, hoạt động TPL đã bước đầu hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của Tòa án và Cơ quan THADS. Đối với Tòa án, việc tống đạt văn bản của TPL đã giúp Tòa án tập trung vào việc xét xử, việc lập vi bằng giúp tạo lập nguồn chứng cứ góp phần bảo đảm cho việc xét xử khách quan, kịp thời và chính xác. Đối với cơ quan THADS, việc thực hiện các công việc về tống đạt văn bản thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án của TPL đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan THADS, tạo cơ chế vừa phối hợp, hỗ trợ vừa cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực thi hành án, bước đầu góp phần hạn chế một số tiêu cực trong hoạt động thi hành án”. 
Các cơ quan THADS, Tòa án cũng có chung nhận định này khi nhìn nhận về chế định còn rất mới mẻ này. 
Có thể thấy, với những ưu thế và nỗ lực của mình, các TPL đang ngày càng khẳng định vị thế và sự tất yếu của nghề mới này trong đời sống xã hội.

Đọc thêm