Những Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên

(PLO) - Từ năm 2010, những Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM trong sự chờ đợi, kỳ vọng xen lẫn sự e ngại, dè chừng của cả các cơ quan chức năng lẫn người dân.
Những Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên
Vượt lên mọi khó khăn, 5 Văn phòng Thừa phát lại được đặt ở quận 1, quận 5, quận 8, quận Bình Thạnh và quận Tân Bình đã trở thành những người đi tiên phong, đặt những viên gạch đầu tiên cho việc thí điểm chế định Thừa phát lại ở nước ta. 
Vượt cửa ải “Thừa phát lại là ai?” 
Nhớ lại những ngày đầu gian lao, ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh cho biết: “Hồi mới thành lập, cả 5 Văn phòng đều gặp rất nhiều khó khăn, mà khó khăn nhất là việc người dân không biết mình là ai, mình làm gì. Ngay cả những cơ quan quản lý nhà nước cũng không biết Thừa phát lại là ai…”. 
Ông Phạm Quang Giang, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận 5 thì tâm sự: “Chúng tôi xác định đi tiên phong vào lĩnh vực này là phải dũng cảm và dấn thân. Hồi đầu Văn phòng mới mở ra, hầu như không có ai biết Thừa phát lại là gì. Suốt một năm đầu tiên, Văn phòng chỉ bù lỗ trong khi chi phí để đầu tư mặt bằng, cơ sở vật chất, trả lương cho mười mấy con người  không phải là nhỏ”. 
Những rào cản đầu tiên không chỉ đến từ việc người dân không biết Thừa phát lại là ai, Thừa phát lại làm gì mà đến cả từ phía các cơ quan chức năng. Bà Đỗ Thị Thúy Hảo, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình tâm sự: “Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân không có sự phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại trong quá trình tác nghiệp. Có trường hợp từ chối vì cho rằng Văn phòng Thừa phát lại là cơ quan tư nhân, không đủ thẩm quyền đề nghị hỗ trợ, phối hợp”. 
Kể đến trường hợp này thì có nhiều nhưng bà Đỗ Thị Thúy Hảo nhớ nhất là những trường hợp cơ quan thuế từ chối cung cấp thông tin về người phải thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại, không hỗ trợ Văn phòng Thừa phát lại trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện để xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án. Thời gian đầu, khi chưa có văn bản phối hợp liên ngành, Ngân hàng từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu của Thừa phát lại, một số đơn vị Công an cũng từ chối hỗ trợ tiến hành việc kê biên tài sản và cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án khi Thừa phát lại có yêu cầu.
Để hỗ trợ cho các Văn phòng Thừa phát lại trong giai đoạn đầu khó khăn, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của Bộ Tư pháp, UBND TP.HCM đã ban hành một Chỉ thị về tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động của Thừa phát lại. Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng ban hành một Thông tri về lãnh đạo tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt sâu đến cán bộ, đảng viên; tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và nhân dân chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về chế định Thừa phát lại. Trong thời gian thí điểm, các Văn phòng Thừa phát lại cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. 
Không ỷ lại vào sự quan tâm của các cấp, các ngành, các Văn phòng Thừa phát lại cũng “chạy đôn chạy đáo” tự khẳng định mình. Ông Lê Mạnh Hùng cho biết: “Trong thời gian đầu, bên cạnh kênh tuyên truyền của Bộ, của Sở, chúng tôi phải tự vận động bằng cách đến tận từng tổ dân phố để tuyên truyền về chế định Thừa phát lại, thậm chí phải nhờ sự giúp đỡ của UBND cấp quận để đến các ban, ngành tuyên truyền về chế định Thừa phát lại…”. 
Kết quả là ở Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh: “Sau 2 năm thì tình hình đã đỡ hơn, người ta biết nhiều hơn đến chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại cho nên khách hàng bắt đầu tìm đến”- ông Lê Mạnh Hùng phấn khởi cho biết.  Còn ở Văn phòng Thừa phát lại quận 5, ông Phạm Quang Giang bộc bạch: “Chưa dám nói là có lãi nhưng nhìn chung mọi việc đã đi vào nền nếp, quy củ, đảm bảo được thu, chi”. 
“Theo nghề còn là vì công việc chung cho xã hội”
Điều phấn khởi nhất đối với các Thừa phát lại là sau rất nhiều nỗ lực, vị thế của các Văn phòng Thừa phát lại đã dần được khẳng định, người dân đã tin tưởng và tìm đến các Văn phòng ngày một đông. Buổi sáng ngày thứ tư mà bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận 1 không còn có thời gian để nói chuyện với phóng viên vì khách hàng tìm đến Văn phòng quá đông. 
Ông Phạm Quang Giang thì cho biết, tới nay, Văn phòng Thừa phát lại quận 5 đã lập trên 2.500 vi bằng, tống đạt nhiều văn bản, giấy tờ và thi hành được 11 bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. 
Còn ông Lê Mạnh Hùng vẫn nhớ như in lần Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh tiến hành lập vi bằng cho khối tài sản lên tới cả nghìn tỷ đồng của bà Thạch Kim Phát ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Bà Kim Phát chỉ là một bà cụ sản xuất bún bình dị nên không ai có thể tưởng tượng được bà lại có khối tài sản khổng lồ để lại. Do chết bất đắc kỳ tử nên bà Kim Phát không để lại di chúc trong khi bà không có con ruột, chỉ có một người con nuôi. Ngoài người con nuôi, bà có  tới 6 anh chị em ruột. 
Vì khối tài sản quá lớn, không ai dám vào kiểm kê nên Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh đã được mời tới để lập vi bằng, chứng kiến việc gia đình tiến hành kiểm kê tài sản.  “Đó là một bằng chứng mà sau này khi giải quyết tranh chấp thừa kế, Tòa án đã căn cứ vi bằng này làm một trong những chứng cứ để xử việc tranh chấp thừa kế thành công” – ông Lê Mạnh Hùng cho biết. 
Cũng theo Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, lập vi bằng là thế mạnh hiện nay của các Văn phòng Thừa phát lại. Theo quy định tại Nghị định 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ: “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dừng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”.  
Những chuyện thỏa thuận ly thân, phân chia tài sản trong khi chưa ly hôn, hay thỏa thuận hùn hạp trong làm ăn, tranh chấp quyền lợi giữa các bên… mà chưa đến mức nhờ pháp luật phân xử thì họ thường tìm đến Thừa phát lại nhờ lập vi bằng. Đây là một văn bản rất hữu ích đối với người dân nếu xảy ra tranh chấp pháp lý nên hiện nay dịch vụ này được rất nhiều người dân sử dụng. 
Dẫu còn rất nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân, của một bộ phận cơ quan nhà nước đối với chế định Thừa phát lại chưa phải là thông suốt nhưng ông Lê Mạnh Hùng khẳng định: “Các Văn phòng đều tin tưởng rằng, trong tương lai chế định này phát triển rất tốt và bền vững. Ngoài công việc riêng, chúng tôi theo đuổi nghề Thừa phát lại còn là vì công việc chung cho xã hội, giúp người dân có thêm một cái “phao” để bấu víu khi cần giải quyết các vấn đề pháp lý một cách tích cực”. 
Khi bài viết này chuẩn bị đến với độc giả, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết, triển khai Đề án “Tiếp tục thí điểm chế định thừa phát lại”, đến nay cả nước đã có 45 Văn phòng Thừa phát lại, trong đó riêng TP.HCM đã  thành lập được 10 Văn phòng. Ở 12 địa phương còn lại là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại cũng đang diễn ra sôi động, hiệu quả.
Chắc chắn sự xuất hiện của Thừa phát lại sẽ mang lại cho người dân nhiều cơ hội lựa chọn hơn, giúp giảm tải cho các cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự  và cũng là yếu tố cạnh tranh lành mạnh để các cơ quan này có trách  nhiệm hơn với công việc của mình.
Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật. Thừa phát lại được làm các công việc sau: 
1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc cơ quan Thi hành án dân sự.
2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Đọc thêm