Thừa Thiên Huế: Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tại tỉnh Thừa Thiên Huế; còn là nguồn đầu tư ổn định giúp hàng ngàn người dân phát triển các mô hình sinh kế, vươn lên thoát nghèo.
Mô hình trồng 21 ngàn cây mây dưới tán rừng tự nhiên của cộng đồng thôn Dỗi. (Ảnh: PV)
Mô hình trồng 21 ngàn cây mây dưới tán rừng tự nhiên của cộng đồng thôn Dỗi. (Ảnh: PV)

Ông Nguyễn Tất Tùng, Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét, sau 12 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác BV&PTR theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR (hiện được thay thế bằng Nghị định 156/2018/NĐ-CP), Quỹ BV&PTR tỉnh đã thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn, mang lại hiệu quả tích cực; huy động được nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý, BV&PTR, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân gắn bó với rừng.

“Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, nhiều cộng đồng thôn, bản đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình là thành viên thuộc các ban quản lý (BQL) rừng cộng đồng, nhóm hộ thôn, bản”, ông Tùng nói.

Toàn tỉnh hiện có 5.670 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ rừng (67,9% là đồng bào dân tộc thiểu số), trong đó 318 chủ rừng là hộ gia đình, 5.352 hộ gia đình, cá nhân là thành viên của 292 BQL rừng cộng đồng, nhóm hộ. Tổng số tiền chi trả DVMTR năm 2022 hơn 13,79 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ nhận được 2,4 triệu.

Thực hiện Quy chế quản lý rừng cộng đồng được ban hành tại Quyết định 62/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đã có nhiều BQL rừng cộng đồng, nhóm hộ, thực hiện kiện toàn tổ chức. Phần lớn các chủ rừng sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, đúng quy định, tập trung chủ yếu là chi hỗ trợ tuần tra, canh gác bảo vệ rừng (chiếm hơn 65%) với mức chi phổ biến 150 - 300 ngàn đồng/ngày công.

Quỹ cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền thực tế tại từng địa phương có người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; giới thiệu và hướng dẫn đến người dân nhiều mô hình phát triển sinh kế, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Trong số các mô hình mà Quỹ giới thiệu, nhiều mô hình đã được người dân triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả cao, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đã có 30 cộng đồng, nhóm hộ họp bàn thống nhất trích một phần tiền chi trả DVMTR để cho vay vốn phát triển sinh kế hộ gia đình như xã Hồng Thượng, Hồng Thái (huyện A Lưới); xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền); xã Thượng Lộ, Thượng Nhật (huyện Nam Đông), xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc). Trung bình mức cho vay 3 - 5 triệu đồng, thời hạn vay 1 - 2 năm với mức lãi suất thấp hoặc không tính lãi. Nguồn vốn cho vay chủ yếu để các hộ mua con giống phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiên cố hóa chuồng trại chăn nuôi, mua cây giống trồng rừng kinh tế.

Nhóm cộng đồng bảo vệ rừng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông) được giao quản lý bảo vệ gần 700ha là một điển hình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn liền phát triển các mô hình sinh kế. Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, cộng đồng thôn Dỗi chi mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác tuần tra rừng và trích ra một phần kinh phí cho hàng chục hộ thành viên vay vốn theo hình thức quay vòng, xây dựng các mô hình sinh kế như chăn nuôi gà lợn, nuôi cá, trồng tre lấy măng, trồng mây dưới tán rừng tự nhiên và dọc khe suối. Việc này không chỉ chống tình trạng sạt lở khi mùa mưa lũ đến, còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình...

Ông Trần Văn Biên, Trưởng BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi cho hay, từ nguồn lực hỗ trợ của chính sách chi trả DVMTR để triển khai mô hình phát triển sinh kế, đến nay BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi đã trồng hơn 21 ngàn cây mây, 500 gốc tre lấy măng, 2.000 cây lồ ô, 500 cây mít dưới tán rừng tự nhiên; ý thức của cộng đồng càng được nâng lên, nhiều người dân tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng.

Đọc thêm