Cần 3.000-5.000 lao động trong năm tới
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên- Huế, khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có 44 dự án đầu tư, với tổng vốn hơn 76 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, có 3 dự án lớn về du lịch đã và tiếp tục triển khai các giai đoạn mới, như Laguna, Khu du lịch Địa Trung Hải, Khu du lịch Quốc tế Minh Viễn (Dự kiến tháng 6/2020 đưa vào khai thác giai đoạn 1).
Tuy nhiên, ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh cho hay: Từ nhu cầu của các dự án, qua khảo sát và đánh giá lao động thì hiện nguồn lao động chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Theo đó, ở lĩnh vực công nghiệp, trong năm 2020 tại khu Kinh tế này cần khoảng 3.000 – 5.000 lao động.
Cụ thể, chỉ riêng 3 dự án du lịch nói trên, 1-2 năm tới sẽ cần trên dưới 1.000 lao động vừa có chuyên môn và lao động phổ thông. Dự kiến trong vòng 5 năm tới đây, toàn khu kinh tế cần khoảng 10.000 lao động để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Nút thắt liên kết giữa địa phương và doanh nghiệp
Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thông tin: Hiện các dự án lớn đến đầu tư ở Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô chưa đặt vấn đề, hay có những kế hoạch cụ thể về nhu cầu nhân lực với huyện.
Do đó, huyện chỉ biết các doanh nghiệp đang cần lao động, nhưng lại không biết cần bao nhiêu, trong đó bao nhiêu lao động phổ thông, bao nhiêu lao động có trình độ. Chỉ khi nắm được nhu cầu chính thức, huyện mới có thể có sự chủ động các giải pháp để phối hợp với các doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Về phía các doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Chế xuất Billion Max Việt Nam (chuyên sản xuất đồ chơi bằng nhựa dành cho trẻ em, sản phẩm cho trẻ em sơ sinh) cho biết, trong tháng 11/2019, giai đoạn 1 của Nhà máy chính thức đi vào hoạt động và đang cần 500 lao động phổ thông.
Trong quý 2/2020, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đưa vào khai thác, Billion Max Việt Nam cần tuyển thêm ít nhất 2.500 lao động. Hiện nay, việc tuyển dụng lao động ở Huế đang khá khó khăn. Vì vậy, để tuyển đủ số lượng, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong tìm kiếm, thu hút lao động.
Còn theo bà Trịnh Ngọc Thùy Nhi, Giám đốc nhân sự Laguna Lăng Cô cho biết, khi giai đoạn 2 của dự án đi vào khai thác, cần ít nhất 1.000 lao động nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu công việc. Chiến lược tuyển dụng nhân lực của Laguna là ưu tiên lao động ở địa phương. Mục tiêu không chỉ nâng cao hiệu quả trong kinh doanh, mà tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần tăng mức sống cho người dân địa phương.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, Ban ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn việc làm tỉnh, các doanh nghiệp để lên kế hoạch mở các sàn giao dịch việc làm dịp trước và sau Tết Nguyên đán, không chỉ ở huyện Phú Lộc mà tất cả huyện, thị xã trong tỉnh để có thể tuyển được nguồn lao động mà doanh nghiệp cần.