Thừa Thiên Huế: Lấy sức mạnh văn hoá làm động lực phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với những kết quả to lớn đã đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa, Thừa Thiên Huế đang khẳng định lối đi riêng rất thành công để trở thành đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”.
Quảng bá văn hoá Huế qua các Kỳ Festival .
Quảng bá văn hoá Huế qua các Kỳ Festival .

Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Nhận thức rõ những tiềm năng, lợi thế của văn hóa vừa là sức mạnh tinh thần, là nền tảng quan trọng của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị, di sản văn hóa.

Thừa Thiên Huế đang gìn giữ kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Huế tự hào có 7 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, cùng với gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội; hàng trăm ngôi chùa cổ, làng cổ, nhà rường, nhà vườn; hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ cùng với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng đã trở thành tài sản vô giá của vùng đất Cố đô.

Huế còn tự hào là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây nhiều nhà cách mạng, nhà nghiên cứu, bác sĩ y khoa giỏi, văn nghệ sĩ tài hoa đã xuất thân, hoạt động tại Huế như nhà yêu nước Phan Bội Châu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu…

Tất cả đã tạo nên cốt cách con người Huế, văn hóa Huế đặc trưng. Đó là văn hóa Huế trong văn học nghệ thuật, trong kiến trúc, trong ẩm thực, trong trang phục, trong phong cách ứng xử và trong từng nếp sống của người dân.

Với nền tảng vốn quý đó, những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, luôn xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chương trình, nghị quyết cụ thể trong từng giai đoạn, trong đó, nỗ lực, quyết tâm để đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa giàu bản sắc truyền thống.

Xây dựng thành phố Huế trở thành kinh đô áo dài .

Xây dựng thành phố Huế trở thành kinh đô áo dài .

Theo đánh giá của UNESCO, việc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh rất quan tâm, chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ không gian của di sản với nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả.

Có thể nói, quá trình nỗ lực giữ gìn, bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, di sản văn hóa của Thừa Thiên Huế đã được ghi nhận và đánh giá cao. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 38/2021/QH15 về các cơ chế, chính sách áp dụng đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản. Đây là sự hỗ trợ đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để Thừa Thiên Huế thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ-TW của Bộ chính trị trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Khai thác tài nguyên văn hóa phát triển du lịch, dịch vụ

Với lợi thế về tài nguyên di sản và lễ hội, Thừa Thiên Huế đã khai thác và phát huy lợi thế đó, đưa du lịch trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và của cả khu vực miền Trung.

Cụ thể, du lịch văn hóa, lễ hội ngày càng được khai thác và phát huy có hiệu quả, đây là tâm điểm thu hút một số lượng lớn các quan chức, các nhà nghiên cứu các nhà khoa học, các vận động viên, khách tham quan trong và ngoài nước đến tham dự các hội nghị, các giải thi đấu thể thao và tham quan du lịch. Chính nhờ hiệu quả kinh doanh dịch vụ du lịch nên Thừa Thiên Huế cũng là địa bàn thu hút các nhà đầu tư, có nhiều chương trình hợp tác được triển khai, trong đó có những dự án đầu tư du lịch trên 1 tỷ USD.

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quy hoạch, trùng tu các di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng tiêu biểu; di dời dân cư sinh sống trên Thượng thành. Đồng thời, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế gắn với xây dựng môi trường văn hóa, thân thiện mến khách.

Sắc màu văn hóa trong các lễ hội.

Sắc màu văn hóa trong các lễ hội.

Thừa Thiên Huế luôn xác định các giá trị văn hóa, di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa; là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững đúng với thế mạnh và đặc trưng riêng của mình.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình nêu rõ, xác định văn hóa và con người xứ Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc và đồng bộ, toàn diện những quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, kiên trì mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, con người, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định.

Đọc thêm