Thừa Thiên Huế: Cần thêm cơ chế chính sách để khai thác du lịch tàu biển

(PLVN) -Cảng Chân Mây là cảng biển tổng hợp, hiện đại, bảo đảm điều kiện, cơ sở vật chất kỹ thuật đón tàu du lịch, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, hiện nay, cảng biển này vẫn còn một số bất cập, tồn tại cần được tháo gỡ và có những giải pháp cấp thiết để kích cầu loại hình du lịch này.
Thời gian qua, nhiều tàu biển hạng sang cập cảng biển Chân Mây chở theo hàng trăm ngàn lượt khách quốc tế đến với Thừa Thiên Huế.
Thời gian qua, nhiều tàu biển hạng sang cập cảng biển Chân Mây chở theo hàng trăm ngàn lượt khách quốc tế đến với Thừa Thiên Huế.

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian qua, cảng Chân Mây đã tổ chức đón nhiều chuyến tàu biển hạng sang nhập cảng, sự xuất hiện thường xuyên các hãng du lịch tàu biển hạng sang tại cảng như Royal Caribbean, Celebrity Cruise, Tui Cruise, Costa Criere, Princess Cruise... Qua đó, đã góp phần nào khẳng định giá trị thương hiệu cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Cụ thể, từ năm 2018 đến tháng 6/2023, các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho 116 lượt tàu du lịch mang theo hơn 208.000 khách du lịch, hơn 91.000 thuyền viên đến và rời cảng từ nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu khách đến từ Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha... Đó là tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi du lịch, khởi động lại hoạt động du lịch tàu biển quốc tế tới cảng Chân Mây.

Theo dự báo, sự phục hồi này sẽ còn tốt hơn từ sau năm 2023 với minh chứng là các số liệu đã đăng ký qua cảng Chân Mây tăng dần từ năm 2024 đến năm 2026. Trong đó, năm 2024 sẽ đón 30 lượt tàu với gần 48.000 hành khách và 19.000 thuyền viên; năm 2025 sẽ đón 26 lượt tàu với hơn 29.500 hành khách và 12.700 thuyền viên và năm 2026 sẽ đón 7 lượt tàu với 18.000 hành khách và 6.000 thuyền viên.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, du lịch tàu biển ở Thừa Thiên Huế đã có xu hướng phát triển mạnh ở địa phương từ sau năm 2015 khi bến cảng Chân Mây số 01 được nâng cấp đi vào hoạt động. Theo số liệu công bố của Ban Quản lý cảng Chân Mây, đến giai đoạn 2018 - 2019, số lượng khách du lịch tàu biển đến Huế, chiếm từ 45 - 57% trong tổng số lượt khách tàu biển đến Việt Nam. Năm 2022 chỉ có 850 khách tàu biển theo tàu đến cảng Chân Mây, nhưng sau 7 tháng đầu năm 2023, đã có 13.300 khách tàu biển (chiếm 44% tổng số khách đến Việt Nam theo đường tàu biển) đến cảng Chân Mây. Đó là tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi du lịch, khởi động lại hoạt động du lịch tàu biển quốc tế tới cảng Chân Mây và dự báo sẽ phục hồi tốt hơn từ sau năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, vẫn còn một số bất cập, tồn tại liên quan đến việc vận hành hoạt động du lịch tàu biển, đến cơ sở vật chất kỹ thuật và công tác xúc tiến quảng bá của các ngành tại địa phương cần được nhìn nhận, đánh giá, động viên và giải quyết thỏa đáng, kịp thời.

Mới đây, tại Hội nghị đánh giá công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 - 2023, đại diện các sở, ban, ngành cũng như các doanh nghiệp đã nêu nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan, như tình trạng đặt đáy, lưới của ngư dân khai thác tôm hùm con trong luồng tàu, vũng quay tàu và vùng đậu tàu, gây mất an toàn hàng hải. Trong khi đó, phía ngoài cổng cảng không có bãi đỗ dành cho các phương tiện nên dễ xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn khi phương tiện vào đón khách du lịch và gây khó khăn trong công tác kiểm soát.

Ngoài ra, từ vị trí neo đậu của tàu khách du lịch đến vị trí đỗ xe rất xa không có xe trung chuyển, khi thời tiết nắng nóng, mưa gió gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian tham quan du lịch của hành khách. Mặc dù đã có sự đầu tư bổ sung nhiều loại hình sản phẩm khác nhau để phục vụ khách du lịch tàu biển, nhưng Thừa Thiên Huế vẫn còn thiếu những cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm siêu thị miễn thuế...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình nhận định, dù có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch tàu biển nhưng hạ tầng cơ sở cảng du lịch, nguồn nhân lực còn thiếu, trang thiết bị quản lý, giám sát, kiểm tra và hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư hiệu quả... Ngoài ra, số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp.

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến, giải quyết hợp lý, phù hợp. Cần lưu ý thêm việc tạo cơ chế chính sách cũng như bảo đảm an toàn an ninh nhưng tạo thuận lợi tối đa cho du khách. Thời gian tới, cần tăng thêm số lượng các doanh nghiệp quan tâm về khai thác khách tàu biển đến Huế. Cùng với đó, cần có giải pháp nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách sử dụng các dịch vụ; bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật đầy đủ để phục vụ khách tàu biển khi tham quan tại Huế.

Đọc thêm