Thừa Thiên Huế: Một số doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khai khoáng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau thời gian tổ chức thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về khoáng sản trên địa bàn, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện một số DN vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra một mỏ khoáng sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: PV)
Lực lượng chức năng kiểm tra một mỏ khoáng sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: PV)

Tại địa bàn tỉnh hiện có hàng chục mỏ khoáng sản được Bộ TN&MT và tỉnh cấp phép cho các đơn vị, DN khai thác. Trong đó chiếm phần lớn là mỏ đất làm vật liệu san lấp, mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, số còn lại là các mỏ cát trắng, mỏ than bùn, mỏ đất sét.

Quá trình hoạt động, một số DN chưa chấp hành đầy đủ pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường; chưa thực hiện đầy đủ các quy định trong hoạt động khai khoáng; tình trạng khai khoáng trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt hành chính với ty CP Khai thác đá & Xây dựng Hương Bằng (mỏ đá Hương Bằng, phường Hương Vân, TX Hương Trà) 50 triệu đồng vì thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế không đúng quy trình và mẫu biểu với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Xử phạt Cty TNHH MTV Thanh Bình An (mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường ở xã Sơn Thủy, huyện A Lưới) 110 triệu đồng vì thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế không đúng quy trình và mẫu biểu; khai thác không đúng các thông số của hệ thống khai thác.

Với Cty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung (mỏ than bùn tại khu vực trầm Bậc Nẫy, xã Phong Chương, huyện Phong Điền), đại diện Thanh tra Sở TN&MT cho hay đang làm các bước ra quyết định xử phạt do DN này có một số vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản.

Ông Phan Văn Đáng, Chánh Thanh tra Sở TN&MT cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các DN vi phạm, nhất là các hành vi không lắp đặt camera giám sát, trạm cân; công tác bảo vệ môi trường. DN có các hành vi gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế; và các trường hợp kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm đầy đủ hóa đơn, chứng từ; đều bị xử lý nghiêm. Đồng thời lực lượng chức năng cũng tổ chức ra quân xóa bỏ các bến bãi tập kết khoáng sản trái phép; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ với các DN có giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành rà soát quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để xây dựng các phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn và tham mưu tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề xuất bổ sung cục bộ vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và rà soát, lựa chọn các điểm quy hoạch khoáng sản đáp ứng đủ các điều kiện để đưa vào khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng tại các địa phương; nhất là các dự án, công trình trọng điểm đang triển khai thi công trên địa bàn tỉnh.

Vừa qua, Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt với một số chủ mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhiều tháng nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ theo quy định. Có thể kể đến trường hợp Cty TNHH Hoàng Ngọc và Cty TNHH MTV Duy Thái mỗi đơn vị bị phạt 120 triệu đồng.