Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam

(PLVN) - Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế và là trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng cho lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được tổ chức tại Thừa Thiên Huế

Cơ hội bứt phá

Theo Quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm 5 tỉnh, thành là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận).

Vùng Bắc Trung Bộ sẽ trở thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ đô thị biển của cả nước. Vùng Trung Trung Bộ trở thành tiểu vùng động lực của vùng và là khu vực tăng trọng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ cao cấp và đô thị biển. Vùng Nam Trung Bộ trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước.

Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam

Cụ thể hơn trong việc phát triển đô thị, TP Đà Nẵng là đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, logistics, công nghệ cao. Thừa Thiên Huế định hướng là thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị trung tâm của miền Trung và đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa. Huế cũng được định hướng là trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, y tế chuyên sâu, giáo dục.

Khánh Hòa được định hướng phát triển thành thành phố trực thuộc trung ương, là trung tâm du lịch biển quốc tế. Thành phố Thanh Hóa là trung tâm lớn về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và nông nghiệp quy mô lớn. Thành phố Vinh có vai trò là trung tâm của tiểu vùng Bắc Trung Bộ về công nghiệp, du lịch, thương mại…Thành phố Quy Nhơn có vai trò là trung tâm kinh tế biển tổng hợp của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, trung tâm trí tuệ nhân tạo.

Thiên thời – địa lợi – nhân hoà

Những năm gần đây, TP Huế được xem là đô thị duy nhất đã hình thành chức năng đặc trưng là một đô thị văn hóa, di sản, du lịch, cảnh quan môi trường… bởi những vị thế, tiềm năng của vùng đất ít nơi nào sánh được từ hệ thống cảnh quan sông Hương, núi Ngự, đền đài lăng tẩm, Đại nội Huế và di tích văn hoá lịch sử. Chính đặc trưng riêng mà Huế có 7 di sản văn hoá được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới; thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Festival Huế góp phần đưa đô thị Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam

Trong quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2050 và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 và đưa cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, TP Huế được xác định là “trái tim” của đô thị Thừa Thiên Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Theo mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP Huế hiện hữu (265,99km²) và một phần các TX. Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang, với diện tích khoảng 348,54km².

Cụ thể, không gian đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam, với trục cảnh quan “xương sống” là sông Hương kéo dài từ phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang. Để tăng diện tích, tạo các khu đô thị vệ tinh cho khu vực lõi TP Huế hiện tại thì hướng chính để thúc đẩy cho thành phố phát triển mạnh hơn là kéo biển và sân bay lại gần nhau hơn. Sân bay Phú Bài và biển Thuận An là hai “chân kiềng” hết sức quan trọng tạo động lực để phát triển TP Huế trong thời gian tới.

Các dự án trọng điểm đang được thực hiện gấp rút với mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm là đô thị trung tâm của miền Trung

Theo ông Nguyễn Văn Phương (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế), định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên Huế dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế căn cứ trên tiềm năng, lợi thế so sánh, vị trí chiến lược cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông - Tây với văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú, trọng tâm là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

“Thừa Thiên Huế đang gặp thiên thời - địa lợi - nhân hoà, đó là thế “chân kiềng” mà tỉnh nhà nỗ lực phát huy với khát vọng trở thành đô thị văn hoá, di sản của Việt Nam. Hi vọng rằng, không xa nữa Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị trung tâm miền Trung và là trung tâm di sản đặc trưng của Việt Nam”, ông Phương nói.

Đọc thêm