Nguồn sống từ rừng
Dưới các tán RNM, có nhiều loại hải sản tự nhiên như tôm, cá, cua... được coi là thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Ty (thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) chia sẻ, sau nhiều năm trồng và bảo vệ RNM ở địa phương, bây giờ bên trong những cánh rừng bần chua, vẹt, sú có nhiều hải sản như ngao, tôm, cá, cua...
Nhiều ngư dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh đi đánh bắt thủy hải sản cả đêm trên đầm phá, trở về lúc rạng sáng ngày hôm sau. Hải sản đánh bắt được sẽ bán cho người dân và thương lái ở khu vực chợ nổi.
“Từ khi có những cánh RNM, bà con nơi đây đánh bắt dễ dàng và năng suất hơn. Có những ngày vào mùa tôm, cá nhiều, chúng tôi kiếm được 200.000 - 400.000 đồng, có khi nhiều hơn. Những tán RNM đã giúp nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định, thoát nghèo”, ông Ty chia sẻ.
Hiện toàn xã Quảng Lợi có 3 thôn ven phá Tam Giang (Cư Lạc, Ngư Mỹ Thạnh, Hà Công) với hơn 650 hộ dân, đời sống phần lớn phụ thuộc vào các nghề đánh bắt, khai thác nuôi trồng thủy sản. Trong đó, số hộ dân đánh bắt nuôi trồng thủy sản tại RNM khoảng hơn 200. Nhiều hộ khác tham gia đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang hưởng lợi gián tiếp từ nguồn lợi thủy sản được tái tạo, sinh sôi, phát triển dưới tán RNM.
|
Những năm qua, nhiều cánh RNM đã được trồng tại ven biển Thừa Thiên Huế. |
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thực hiện dự án đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá, từ 2016 xã đã trồng được 45ha rừng, trong đó RNM tập trung ven phá Tam Giang với các loại cây bần chua, dừa nước. Ngoài ra, trên các ao hồ nuôi trồng thủy sản, dự án hỗ trợ cây cho người dân trồng với 40 hồ (diện tích hơn 20ha). Hiện nay cây đã phát triển tươi tốt, bước đầu đem lại hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, cải thiện môi trường, giúp tái tạo các nguồn lợi thủy sản, phát triển dịch vụ tham quan, du lịch trải nghiệm.
Ông Bảo nói, các đai RNM trên phá Tam Giang đã góp phần ngăn gió, giảm sóng, bảo vệ các tuyến đường ven phá; là nơi neo đậu ghe thuyền an toàn trong bão lũ. RNM trở thành nơi trú ngụ, bãi đẻ, sinh sôi, kết hợp với các hoạt động bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản; nhiều loài thủy sản đầm phá đang từng bước phục hồi.
Các hoạt động nuôi trồng thủy sản, đê đập ở các ao hồ được bảo vệ tốt hơn, giảm chi phí tu sửa ao hồ khi xuống vụ. Bên cạnh đó, một số bà con đã mạnh dạn đầu tư các điểm dừng chân trên các ao hồ để khách có thể tham quan, nghỉ ngơi khi tham gia các hoạt động trải nghiệm trên phá Tam Giang...
“Lá chắn xanh” bảo vệ đời sống con người
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, hiện toàn tỉnh có 347,42ha RNM, trong đó diện tích rừng tự nhiên 2,88ha và diện tích rừng trồng 344,54ha, thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TP Huế.
Các dự án triển khai trồng RNM trên địa bàn tỉnh từ 2015 đến nay đã trồng được 342,19ha. Trong đó, dự án đầu tư phát triển rừng ven biển (SP-RCC) đã trồng 197,63ha; dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) trồng 121,56ha; dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển (GCF) đã trồng được 22ha.
Hiện nay, dự án cộng đồng ven biển ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu tại Việt Nam - tỉnh Thừa Thiên Huế do Canada thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt; dự kiến thời gian tới sẽ trồng 67ha RNM ở huyện Phú Vang.
|
Cùng với việc phát triển RNM, một trong những việc quan trọng là bảo tồn cũng sẽ được tính đến, là triển khai toàn diện công tác chăm sóc, bảo vệ RNM. Tại xã Quảng Lợi, công tác quản lý, bảo vệ rừng được UBND xã và cộng đồng dân cư hết sức quan tâm, xây dựng cơ chế quản lý, dự kiến bàn giao cho các chi hội nghề cá, cộng đồng dân cư bảo vệ, khai thác; tranh thủ các chương trình, dự án xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng. Chính quyền nơi đây cũng đã kiến nghị cấp trên hỗ trợ quản lý từ dịch vụ môi trường rừng phục vụ quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả.
Các địa phương ven biển Thừa Thiên Huế cũng đã và đang thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ rừng, chống chặt phá, chống khai thác hải sản tận diệt, đẩy mạnh công tác trồng RNM. Từ sự thay đổi nhận thức của người dân, những cánh RNM ngày càng được bảo vệ tốt hơn, tạo thành những “lá chắn xanh” bảo vệ hiệu quả cho những tuyến đê biển, cho làng mạc, dân cư và sinh kế cho Nhân dân các vùng ven biển.
Nằm cuối hạ nguồn sông Hương, gần cửa biển Thuận An, xã Hương Phong (TP Huế) là khu vực chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu. Nhiều năm qua, cùng với diện tích rừng nguyên sinh vốn có ở Rú Chá, thông qua nhiều dự án khác nhau, nhiều diện tích RNM ven phá đã được triển khai trồng ở địa phương này; góp phần tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng RNM, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển.
Trong đó, thiết thực nhất là tạo môi trường để bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy, hải sản, góp phần cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư với khoảng 2.783 hộ (11.728 nhân khẩu) sống dựa vào mặt nước.
Theo ông Nguyễn Văn Bổn - Chủ tịch UBND xã, xác định vai trò quan trọng của Rú Chá với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai cũng như phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua, xã đã có nhiều chính sách bảo vệ, giữ gìn diện tích rừng vốn có và từng bước mở rộng diện tích Rú Chá đến nay lên hơn 20ha.
Không chỉ có vai trò ứng phó thiên tai, chống biến đổi khí hậu, RNM ở xã còn góp phần bảo vệ hàng trăm ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn sinh kế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.