'Đối xử tốt' với rừng ngập mặn để tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu

(PLVN) - Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai cũng như bảo vệ sinh kế bền vững cho người dân, thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Việt Nam một “bài toán” có sẵn lời giải, đó là cần phải bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn.
Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. (Ảnh: GAIA)
Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. (Ảnh: GAIA)

Với đường bờ biển dài 3.260km, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Cụ thể, tại Việt Nam trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina cộng hưởng cùng biến đổi khí hậu đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt.

Theo dự báo, nếu mực nước biển dâng lên 1m thì Đồng bằng sông Cửu Long mất đi 38,9% diện tích, 80% diện tích Cà Mau ngập dưới nước biển và Việt Nam mất đi khoảng hơn 2 triệu hecta đất trồng lúa (khoảng 50%). Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu người mất đất sản xuất, mất đi sinh kế, trở thành người “tị nạn môi trường”.

Thống kê gần đây cho thấy, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, trong 10 năm trở lại đây, đã có 1,7 triệu người di cư ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long vì thiếu đất canh tác, không có việc làm ổn định, tỷ lệ di cư này là gấp hai lần trung bình cả nước.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới. Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu vì hệ sinh thái rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ carbon gấp 4-10 lần rừng trên cạn tùy vào các khu vực khác nhau. Đồng thời, rừng ngập mặn ven biển còn có vai trò bảo vệ đới bờ khỏi bị sạt lở, giữ đất không bị đánh trôi ra bãi biển, hạn chế xâm nhập mặn. Ngoài ra, đây còn là nơi ấu trùng của các loài thủy hải sản sinh sống.

Tuy nhiên trong giai đoạn 1943-2000, diện từ rừng ngập mặn tại Việt Nam đã suy giảm từ 450.000 ha xuống 155.290ha. Nguyên nhân chính cho hiện trạng này bao gồm chuyển đổi rừng ngập mặn sang sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chiến tranh và đô thị hóa.

Thực tế trên cho thấy, để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai cũng như bảo vệ sinh kế bền vững cho người dân, thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Việt Nam một “bài toán” có sẵn lời giải, đó là cần phải bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn.

Chương trình "Góp một cây là góp rừng Cà Mau" đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng với hơn 350.000 cây mắm trắng được đóng góp.

Chương trình "Góp một cây là góp rừng Cà Mau" đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng với hơn 350.000 cây mắm trắng được đóng góp.

Để góp phần bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn, từ năm 2020, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia đã triển khai chương trình "Góp một cây là góp rừng Cà Mau" nhằm huy động nguồn lực cộng đồng cùng tham gia khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Nguyên tắc của hoạt động không có tác động đến khu vực khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên bằng hệ thống hàng rào; đồng thời tăng cường công tác quản lý bảo vệ và tuyên truyền vận động, trên cơ sở đó diện tích đất bãi bồi ổn định dần tạo điều kiện cho hạt mắm sẽ tái sinh tự nhiên nhanh chóng và phát triển thành rừng.

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết: “Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã đồng hành cùng Gaia thực hiện dự án khoanh nuôi rừng từ năm 2020 và đã có những kết quả rất khả quan. Số lượng cây tái sinh mới là khoảng 300.000 cây, mật độ cây từ 2.000 - 50.000 cây/ha tùy theo khu vực, chiều cao cây trung bình 6 cm, tỷ lệ sống trên 80%. Trong tương lai, đây sẽ là những lá chắn xanh bền vững góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ sinh an đời sống cho người dân”.

Với những kết quả tích cực như trên, trong năm 2023, chương trình đã tiếp tục nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng với hơn 350.000 cây mắm trắng đã được 3 doanh nghiệp và 363 cá nhân đóng góp.

Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng, phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau...

Đọc thêm