Thừa Thiên Huế thúc đẩy giải ngân đầu tư công

(PLVN) -  Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết liệt khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra tiến độ dự án cầu qua cửa biển Thuận An có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Nhằm thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các văn bản chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân đầu tư công để đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2023.

Trong năm 2023, tổng nguồn lực đầu tư công trên địa bàn tỉnh là hơn 6600 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị giải ngân là hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 16% kế hoạch và là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Hiện nay, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Bên cạnh đó có một số nguyên nhân khác như: thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng; giá cả vật liệu tăng đột biến làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư. Năng lực nhà thầu thi công hạn chế cũng đang khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ, kéo theo tỷ lệ giải ngân thấp...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách từng dự án. Chủ đầu tư phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi và khả năng triển khai thực hiện dự án.

Nhiều hạng mục Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn cơ bản đã hoàn thành.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành chuyên môn tiếp tục đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án, đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật còn 2/3 thời gian theo quy định, tạo điều kiện tối đa giải quyết thủ tục cho các chủ đầu tư và tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Tỉnh đang tập trung giải quyết công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Tỉnh cũng cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án, kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, vật liệu xây dựng.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; các công trình, dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022.

Bên cạnh đó, phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn, phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2023 trên 13.000 tỷ đồng; triển khai hiệu quả các kế hoạch nâng cao các chỉ số hành chính về PAR-Index; PAPI-Index, PCI, ICT, đặc biệt là các giải pháp nâng cao các chỉ số quan trọng giảm hạng trong năm 2022.

Đọc thêm