Quảng Nam muốn đầu tư 12 tỷ đồng 'cứu' phật viện Đồng Dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước thực trạng di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ ngã đổ sau nghìn năm tồn tại, chính quyền tỉnh Quảng Nam muốn đầu tư 12 tỷ đồng để “cứu” lấy phật viện lớn nhất Đông Nam Á này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu vừa ký văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng thuộc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình).

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng thuộc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi: Viện Bảo tồn di tích - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Phật viện Đồng Dương là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt nhưng hiện gần như là phế tích. (Ảnh: Công Huy)

Phật viện Đồng Dương là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt nhưng hiện gần như là phế tích. (Ảnh: Công Huy)

Dự án có tổng mức đầu tư là 12 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện đến năm 2025. Mục tiêu của dự án là đầu tư bảo tồn, tu bổ tháp Sáng nhằm phục hồi, ổn định lâu dài cho cấu trúc kiến trúc; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.

Quy mô đầu tư, dự án tu bổ, gia cố di tích sẽ bao gồm việc khảo sát, đánh giá hiện trạng; khai quật, nghiên cứu khảo cổ khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 500m2. Thực hiện các can thiệp bảo tồn khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 225m2 , bao gồm: Tu bổ chống sạt đổ khối xây thân tháp cổng hiện trạng; tu bổ phục hồi phần móng quanh tháp, phục hồi bậc cấp cửa chính; tu bổ phục hồi hai cửa bên, phục hồi bậc cấp bên; tháo dỡ dàn sắt chống đỡ hiện trạng; chống mối công trình; bảo quản gia cố bề mặt gạch; xử lý cây dại xâm thực trên tường gạch gốc.

Như BáoPháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, Phật viện Đồng Dương là di tích khảo cổ học. Cách đây 5 năm, phật viện lớn nhất Đông Nam Á này vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Theo khảo tả của nhà nghiên cứu H.Parmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, xung quanh có tường gạch bao bọc. Từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m chạy về phía Đông đến một thung lũng hình chữ nhật.

Tỉnh Quảng Nam muốn đầu tư 12 tỷ đồng để "cứu" lấy phật viện lớn nhất Đông Nam Á. (Ảnh: Công Huy).

Tỉnh Quảng Nam muốn đầu tư 12 tỷ đồng để "cứu" lấy phật viện lớn nhất Đông Nam Á. (Ảnh: Công Huy).

Đáng tiếc, Phật viện Đồng Dương - khu di tích quan trọng bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chăm Pa đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và chiến tranh. Hình ảnh giúp nhận dạng khu vực di tích Phật viện Đồng Dương hiện nay chỉ còn lại một mảng tường thuộc về phế tích kiến trúc được gọi tên là tháp Sáng. Tuy nhiên, đường dẫn vào khu di tích, thậm chí ngay cả khu vực còn sót lại tháp Sáng, đang lâm vào tình cảnh hết sức nhếch nhác với hình ảnh cỏ dại mọc um tùm.

Trước đó, vào cuối năm 2016, Phật viện Đồng Dương được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với diện tích khoanh vùng bảo vệ 5,3ha. Trong khu vực này có 11 nhà dân, 112 ngôi mộ; hơn 5.000m2 đất màu, 9.200m2 cây keo lá tràm. Ngoài ra, còn có 1.600m2 đất ở nông thôn; 5.000m2 đất trồng lúa; 236m2 đất trồng cây hằng năm; 698m2 đất tín ngưỡng và 20.000m2 đất trồng rừng.

Năm 2020, UBND huyện lập Tổ quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, thực hiện nhiệm vụ được giao, khoanh vùng, bảo vệ, kiểm tra, ngăn chặn sự xâm hại đối với di tích, không thực hiện việc thu bất cứ loại phí nào tại di tích này.

Bà Phan Thị Hiệp, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho hay: “Chính quyền địa phương cũng như người dân đều cảm thấy chạnh lòng, ngậm ngùi khi một di tích quốc gia đặc biệt, nhìn vào chỉ là một bãi đất trống. Tuy nhiên, di tích có gì chúng tôi cũng hết lòng bảo vệ, đồng thời kiến nghị, mong các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ khẩn cấp các bộ phận kiến trúc còn sót lại, đặc biệt là cổng tháp Sáng”.

Đọc thêm