Thúc đẩy các giải pháp giảm nhẹ tình trạng nắng nóng khắc nghiệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nắng nóng gay gắt xảy ra thường xuyên và kéo dài hơn tại Việt Nam. Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này đòi hỏi cần có những chương trình hành động và giải pháp ứng phó kịp thời.
Nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. (Ảnh minh họa)
Nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã khởi động giải pháp xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia.

Nắng nóng khắc nghiệt xảy ra phổ biến hơn

Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam là nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng trung bình là 0,89 độ C. Nhiệt độ không khí tăng cao, các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu thế gia tăng, làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người.

Ba năm gần đây, Việt Nam trải qua hiện tượng La Nina, có sự dịch chuyển từ mùa xuân năm nay sang hiện tượng trung tính và dự tính sang hiện tượng El Nino cuối mùa hè, sự thay đổi đó dẫn đến xáo trộn về mặt biển ở toàn cầu và gia tăng sự bất thường của thời tiết tại các khu vực, trong đó có Việt Nam.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm nay đến sớm hơn mọi năm. Cao điểm của nắng nóng dự báo sẽ trong tháng 6 - 7 ở Bắc Bộ, tháng 6 - 8 ở Trung Bộ. Nam Bộ nắng nóng có thể sẽ suy giảm dần ở từ khoảng giữa tháng 5. Do El Nino nên số lượng, cường độ bão, áp thấp nhiệt đới năm nay sẽ ít hơn giai đoạn 2020 - 2022.

Đáng nói, ngày 6/5 vừa qua là đỉnh điểm của đợt nắng nóng đầu tiên ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc phía Đông Bắc Bộ, với nhiệt độ nhiều nơi đạt trên 40 độ. Trước đó, trong ngày 28 - 29/4/2023, khu vực miền Đông Nam Bộ đạt đỉnh điểm nắng nóng từ 35 - 37 độ. Bởi tác động của biến đổi khí hậu, trong tương lai, nắng nóng sẽ còn gay gắt và khắc nghiệt hơn, biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt sóng nhiệt vào tháng 4 năm nay trở nên phổ biến hơn. Theo dự báo cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu và El Nino, không chỉ riêng tháng 4 mà các tháng còn lại của mùa hè năm 2023, 2024, Việt Nam và thế giới có thể sẽ tiếp tục xuất hiện những trạng thái cực đoan về nắng nóng.

Với những diễn biến như hiện nay, xác suất xảy ra sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt đến ngưỡng 1,5 độ C sẽ nhanh hơn trong vòng khoảng 5 năm tới. Nhiệt độ trung bình mùa hè tại Việt Nam cũng sẽ gia tăng trong khoảng từ 3,3 độ C đến 4,6 độ C. Ngày mà có nhiệt độ cao hơn 25 độ C sẽ tăng lên khoảng từ 70 - 90 ngày. Và những ngày nắng nóng gay gắt trên 37 độ C sẽ gia tăng trên nhiều vùng cả nước, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Mùa nắng nóng năm nay ở Bắc Bộ và Trung Bộ dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 8. Số ngày nắng nóng cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn so với năm ngoái.

Trước thực trạng thời tiết như vậy, cùng với những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), nước ta cần nhanh chóng thúc đẩy các giải pháp và hành động thực tế nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ, giảm tác động của các đợt nắng nóng cực đoan đối với xã hội.

Xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia

Một trong những giải pháp đáng chú ý gần đây là “Chương trình Làm mát xanh quốc gia”. Ngày 11/5, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã tổ chức Hội thảo khởi động “Nghiên cứu xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia”. Nghiên cứu là cơ sở đề xuất phương án xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao và carbon thấp, đồng thời tăng cường tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực làm mát.

Các kết quả của hoạt động nghiên cứu sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết để Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2023. Trên cơ sở này, các cơ quan sẽ xây dựng Chương trình Làm mát xanh với lộ trình rõ ràng, đóng vai trò là nền tảng để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các bên liên quan chính trong lĩnh vực làm mát. Dự kiến, các hoạt động nghiên cứu sẽ kết thúc và bàn giao sản phẩm vào cuối tháng 2/2024.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia đang phát triển có tỷ lệ đô thị hóa cao. Sự gia tăng dân số và thu nhập tăng làm cho nhu cầu làm mát liên tục tăng.

Thống kê cho thấy, hệ thống làm mát bao gồm điều hòa không khí, quạt gió và máy làm mát ước tính chiếm tới 40% nhu cầu điện dân dụng và 25 - 40% nhu cầu điện năng trong dịch vụ và thương mại/công cộng. Việt Nam liên tục ghi nhận các kỷ lục nhiệt độ trong thời gian gần đây cũng phần nào báo hiệu nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát sẽ gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các thiết bị làm mát gián tiếp góp phần gây ra biến đổi khí hậu bằng cách tăng nhu cầu sử dụng điện (phần lớn vẫn được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch) và thông qua việc rò rỉ các chất gây suy giảm tầng ô-zôn, chất gây hiệu ứng nhà kính, vốn có khả năng gây nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với phát thải CO2. Do vậy, cũng cần có các giải pháp kiểm soát lượng khí thải từ quá trình làm mát.

Đọc thêm