Mục đích của chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Bộ Tư pháp và các cơ quan pháp luật, tư pháp của Trung Quốc, trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác tư pháp giữa các địa phương, đặc biệt là các địa phương thuộc khu vực biên giới giữa hai nước.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc. Tại đây, Đoàn đã được nghe giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét xử, quản lý xét xử. Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã xây dựng hệ thống mạng thông tin nội bộ để theo dõi, giám sát hoạt động của tòa án nhân dân các cấp với hơn 20.000 phòng xử án công nghệ cao. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân Trung Quốc cũng đã xây dựng 4 trang web công khai hoạt động của hệ thống tòa án nhân dân bao gồm: (i) công khai quy trình thụ lý hồ sơ vụ việc, (ii) công khai các bản án đã tuyên, theo quy định hiện hành, trong vòng 07 ngày kể từ ngày kết thúc việc xét xử, các bản án, quyết định của Tòa án phải được công khai, trừ trường hợp liên quan đến quyền riêng tư, bí mật quốc gia, bí mật thương mại, (iii) công khai thông tin thi hành án, (iv) công khai quá trình xét xử thông qua việc phát trực tiếp các phiên tòa đang diễn ra trên internet. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người dân, Tòa án nhân dân tối cao cũng cung cấp thông tin về thủ tục tố tụng trên trang thông tin điện tử, hoặc qua đường dây nóng 12368, hoặc một số phần mềm trên thiết bị di động wechat, weibo...
|
Tiếp đó, Đoàn đã có buổi chào xã giao Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Trương Quân và hội đàm chuyên môn với Thứ trưởng Tư pháp Hùng Tiểu Quốc. Hai Bên đã chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của hai nước, vai trò và nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong quá trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp. Bộ trưởng Tư pháp Trương Quân nhấn mạnh kể từ Đại hội Đảng lần thứ 15 vào năm 1997, Trung Quốc đã đưa ra chủ trương xây dựng Nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện tương đối đầy đủ hệ thống pháp luật mang màu sắc Trung Quốc. Để đưa pháp luật đi vào cuộc sống, Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Bộ Tư pháp Trung Quốc đều rất quan tâm đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi cả nước. Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược phổ biến giáo dục pháp luật 5 năm lần thứ 7 với mô hình “người thi hành pháp luật sẽ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật”, cùng với đó là thi hành pháp luật nghiêm minh và cải cách hệ thống tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, luật sư, công chứng viên, thẩm định tư pháp... Bộ trưởng cũng đánh giá cao chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc lần này của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp. Trong buổi hội đàm chuyên môn, Thứ trưởng Hùng Tiểu Quốc đã khẳng định lại vai trò quan trọng của Bộ Tư pháp trong hệ thống pháp trị, trong Quốc vụ viện và thúc đẩy xây dựng đất nước theo pháp luật. Bộ Tư pháp Trung Quốc hiện có 10 chức năng chính là: quản lý trại giam; cưỡng chế cai nghiện ma túy; giáo dục tại cộng đồng; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý, chỉ đạo đội ngũ luật sư; quản lý công chứng; trợ giúp pháp lý; hòa giải tranh chấp trong nhân dân; tổ chức kỳ thi tư pháp quốc gia; thẩm định tư pháp. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Trung Quốc cũng thực hiện các nhiệm vụ về tương trợ tư pháp, hợp tác quốc tế về pháp luật, xây dựng chính sách, pháp luật và quy định về quản lý pháp luật. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong quá trình xây dựng nhà nước pháp trị mang bản sắc Trung Quốc, trong đó có vai trò trung tâm của Bộ Tư pháp. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ và mong muốn hai Bên sẽ tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung Quốc.
Kết thúc Hội đàm, hai Bên đã thống nhất cao về các biện pháp thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Trung Quốc, cụ thể là: (i) tăng cường giao lưu cấp cao giữa Lãnh đạo Bộ Tư pháp hai nước, (ii) tăng cường hợp tác chuyên ngành về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp hai nước thông qua các hình thức như trao đổi đoàn, tổ chức hội thảo chung, trao đổi thông tin pháp luật..., (iii) sớm thống nhất để đi đến ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Trung Quốc để thay thế Nghị định thư hợp tác giữa hai bên ký năm 1997, và có chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể để triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác này, (iv) tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa ký ngày 19/10/1998; phối hợp rà soát về nội dung để đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung, hiện đại hóa Hiệp định cho phù hợp với tình hình mới, (v) Bộ Tư pháp hai nước khuyến khích, tạo điều kiện để các Sở Tư pháp địa phương, đặc biệt là các Sở Tư pháp ở các tỉnh có chung đường biên giới tăng cường hợp tác, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tiến tới phối hợp tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc vào thời gian thích hợp.
Chiều cùng ngày, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp thành phố Bắc Kinh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành phố Bắc Kinh, nghe giới thiệu về kết quả triển khai công tác tư pháp ở địa phương, thực tế tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại thành phố Bắc Kinh.
Trong ngày làm việc tiếp theo, Đoàn sẽ thăm và làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Trung Quốc, Trường Đại học Chính pháp Bắc Kinh