Chỗ dựa tin cậy khi có tranh chấp quốc tế phát sinh
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đất nước phát triển. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 43 luật, 19 nghị quyết quy phạm; trình Chính phủ ban hành 552 nghị định, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN).
Trước những vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng với nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh, nhất là các tranh chấp quốc tế liên quan tới lợi ích của Việt Nam với giá trị yêu cầu Việt Nam bồi thường lên tới hàng trăm triệu đô la, thậm chí nhiều tỷ đô la trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nhưng lại chưa có nhiều chuyên gia giỏi trong công tác này ở cả Trung ương và địa phương. Bộ Tư pháp dần trở thành chỗ dựa tin cậy của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương mỗi khi có tranh chấp quốc tế phát sinh. Trong 4 năm qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp tham gia giải quyết 15 vụ tranh chấp đầu tư quốc tế. Cho tới hiện tại, kết quả giải quyết các vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế là khá tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và bước đầu tạo sự tự tin và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong xử lý các tranh chấp đầu tư quốc tế.
“Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với truyền thống gần 80 năm xây dựng và trưởng thành, với sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị, với tư duy, nhận thức mới, khí thế, quyết tâm cao, Bộ, ngành Tư pháp nhất định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng tới 100 năm thành lập nước, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và sự vươn mình của dân tộc Việt Nam...” - Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, việc đôn đốc xử lý đối với văn bản trái pháp luật luôn được chú trọng thực hiện sâu sát, hiệu quả, nhất là các văn bản có quy định gây trở ngại đến lợi ích của Nhà nước, việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức. Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV với tổng số văn bản được rà soát là 532 văn bản... Kết quả rà soát được cử tri cả nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương ghi nhận, đánh giá cao, qua đó đã giúp phát hiện các mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Cùng với đó, công tác hệ thống hóa VBQPPL luôn được tăng cường. Những số liệu công bố tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa VBQPPL trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và Công bố Bộ pháp điển Việt Nam, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 5/11/2024 cho thấy, sau 10 năm triển khai, thực hiện, đến nay đã có 265/271 đề mục được Chính phủ thông qua và đưa vào khai thác, sử dụng.
Thông qua công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã cùng với các Bộ, ngành rà soát, làm “sạch” gần 9 nghìn VBQPPL của Trung ương, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm nguồn dữ liệu về văn bản pháp luật “đúng, đủ, sạch, sống”, nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Việc đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, nhiệm vụ này sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật.
Tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm qua cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được xác định là giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Một điểm nhấn đáng chú ý là từ ngày 22/4/2024, Hà Nội và Thừa Thiên Huế bắt đầu triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) cho công dân.
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu LLTP qua VNeID trên toàn quốc (ngày 2/10) cho biết: sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.
Cụ thể, Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp Phiếu LLTP trên VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP của 2 tỉnh, ước tính mỗi hồ sơ tiết kiệm khoảng 10.000 đồng tiền xăng xe, đi lại và công sức chờ đợi; 150.000 đồng tiền công trung bình nửa ngày công của người dân... Với nhu cầu cấp Phiếu LLTP hằng năm khoảng 2,6 triệu, khi người dân thực hiện đăng ký, giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, mục đích cuối cùng trong xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số là phục vụ Nhân dân. Việc triển khai thí điểm 2 ứng dụng (Sổ sức khỏe điện tử và Phiếu LLTP) qua VNeID thể hiện “3 phù hợp” và mang lại 3 lợi ích lớn. Trong đó, các lợi ích lớn gồm: cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân, DN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; khẳng định một cách mạnh mẽ về những thành quả của chuyển đổi số mang lại; tiếp tục khẳng định cam kết của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về đẩy mạnh chuyển đổi số và tiếp thêm niềm tin, động lực cho những thành công trong hoạt động chuyển đổi số thời gian tới.
Từ thành công trên, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID toàn quốc từ 1/10/2024 đến hết 30/6/2025; người dân không phải đến trực tiếp Sở Tư pháp để làm các thủ tục, hồ sơ liên quan đến việc cấp Phiếu LLTP. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và mong đợi của người dân, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên VNeID. Trong đó, rút ngắn thời gian cấp Phiếu LLTP từ 10 ngày xuống còn 3 ngày trong trường hợp thông thường, từ 15 ngày xuống còn 9 ngày trong trường hợp cần xác minh.
Đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023
Ngày 17/4/2024, tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp đã vinh dự và tự hào đạt 89,95 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2022 - vươn lên vị trí đứng đầu các Bộ, ngành về Chỉ số CCHC năm 2023. Trước đó, Bộ Tư pháp luôn duy trì nhóm 3 Bộ dẫn đầu về Chỉ số CCHC cấp Bộ. Kết quả này đã ghi nhận những nỗ lực cải cách của Bộ Tư pháp, nhất là trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN.
Ngày 5/10/2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được vinh danh “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với sản phẩm Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2024.
Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ngày 7/11 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đạt được trong những năm qua. Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN, đóng góp trong việc ban hành Nghị quyết 48-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
“Với yêu cầu đột phá mạnh mẽ về thể chế trong kỷ nguyên mới, Bộ, ngành Tư pháp đứng trước những thách thức không nhỏ nhưng cũng là cơ hội lớn để khẳng định mình, vươn lên mạnh mẽ hơn để xứng đáng với truyền thống đầy tự hào và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ” - Tổng Bí thư tin tưởng, đồng thời mong muốn Bộ, ngành Tư pháp phải thực sự trở thành “lực lượng nòng cốt”, “đi đầu trong tham mưu, kiến tạo đồng bộ thể chế phát triển đất nước”, gương mẫu, trong việc thúc đẩy lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
(Còn tiếp)