Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2024: Từ kế hoạch đến hành động.
Các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận về con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. (Ảnh: VGP/Thu Cúc)
Các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận về con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. (Ảnh: VGP/Thu Cúc)

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 gồm 1 diễn đàn với phiên toàn thể và 3 hội thảo chuyên đề. Diễn đàn phản ánh bức tranh tổng thể về các định hướng, cơ chế, chính sách cũng như hiện trạng và các giải pháp sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; vai trò của khu vực tư nhân trong việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn.

Tại Diễn đàn năm nay, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận về con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và cách thức thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng dự thảo Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành với sự tham gia và đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của các quốc tế.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh, thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo các nguồn lực như tài chính, nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nguồn lực… Các tổ chức và cá nhân là động lực dẫn dắt thực hiện. Đặc biệt các doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo mô hình kinh doanh nhằm hình thành một chuỗi giá trị tuần hoàn.

Theo PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận đột phá nhằm thay đổi cách quản lý tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Các chiến lược hiện tại về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng chỉ giải quyết được 55% lượng khí thải toàn cầu. Kinh tế tuần hoàn mang lại giải pháp bổ sung giúp giải quyết 45% lượng khí thải còn lại. Điều này đặc biệt quan trọng khi các lĩnh vực vật liệu chiếm phần lớn lượng phát thải như xi măng, nhựa, thép, nhôm và thực phẩm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, kinh tế tuần hoàn mang lại giải pháp cho vấn đề cạn kiệt tài nguyên, đóng góp vào việc quản lý chất thải carbon và thúc đẩy phát triển bền vững.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần lồng ghép thiết kế sinh thái, thiết kế tuần hoàn vào các chính sách và đưa các mục tiêu có thể đo lường được vào lộ trình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới và khả năng cạnh tranh. Ưu tiên các ngành chính như nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may và vật liệu xây dựng để giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và mở ra các cơ hội cho tăng trưởng bền vững. Bảo đảm các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý sẽ giảm bớt rào cản và thúc đẩy đổi mới.

Đọc thêm