Thúc đẩy quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế

(PLO) - Lần đầu tiên, tại Việt Nam, các DN có vốn nhà nước được giới thiệu một hệ thống quản trị doanh nghiệp (QTDN) hiện đại theo chuẩn mực QTDN quốc tế do OECD yêu cầu… 
Thúc đẩy quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế

Thách thức quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa

Theo ông Chris Razook, Trưởng nhóm quản trị công ty khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), nhìn chung các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa (CPH) ở Việt Nam đều có xu hướng phát triển tốt hơn so với trước khi CPH. Cụ thể giai đoạn 2011- 2015, so với kết quả hoạt động trước khi CPH, kết quả của năm 2015 cho thấy vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, vốn chủ sở hữu tăng 60%, doanh thu tăng 29%, lợi nhuận gộp tăng 49%, đóng góp cho NSNN tăng 27%, lương trung bình của nhân viên tăng 33%...

Tuy nhiên, một loạt vấn đề sau CPH đang làm giảm nguồn lực của Nhà nước trong các công ty cổ phần như tình trạng chậm niêm yết, hay tình trạng biến tài sản nhà nước thành tài sản của nhóm cá nhân…

Theo  ông Chris Razook, các DNNN đang phải đối mặt với những thách thức đặc thù về QTDN, đó là Nhà nước vừa đảm nhiệm vai trò thực thi các hoạt động kinh tế, vừa giữ vai trò chính sách công. Do đó, Nhà nước có thể có những can thiệp không hợp lý, do mục đích chính trị, có thể phân định trách nhiệm không rõ ràng, thiếu trách nhiệm giải trình và thất thoát về hiệu quả hoạt động của DN.

Các cán bộ nhà  nước có ít động lực tạo tối đa giá trị cho cổ đông cuối cùng, chính là công chúng, do không có giám sát vì Nhà nước là chủ sở hữu từ xa; Ban điều hành DNNN được bảo vệ tránh khỏi những yếu tố có tính chất răn đe của thị trường đối với các DN tư nhân, ví dụ như nguy cơ bị thâu tóm hoặc phá sản; cùng với đó là việc thực thi Luật Thương mại và các quy định pháp lý đối với các DNNN thường kém vì có nhiều bất cập trong việc quản lý đưa ra quyết định cưỡng chế với các thực thể do chính Nhà nước quản lý.

Ông Chris Razook cũng cho rằng mạng lưới hệ thống trách nhiệm giải trình cho kết quả hoạt động của DNNN rất phức tạp do có một chuỗi các tác nhân đại diện (Ban điều hành, HĐQT, cơ quan sở hữu, bộ, ngành, Chính phủ, cơ quan lập phát), mà không có chủ thể hoặc chủ thể không được xác định rõ ràng…

Hướng tới chuẩn quốc tế

Nỗ lực đưa các thông lệ quản trị tốt vào DN có vốn nhà nước, suốt thời gian qua, TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã cùng với các đơn vị tư vấn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và PriceswaterHouse (PwC) xây dựng Bộ Quy tắc QTDN dành cho các DN trong danh mục đầu tư của SCIC. 

Quy tắc QTDN được soạn thảo dựa trên căn cứ chính là các nguyên tắc QTDN của G20/OECD - Báo cáo OECD cho bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 (xuất bản vào tháng 9/2015), có tham khảo cuốn Sổ tay Hướng dẫn cho DNNN của OECD 2015 và kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia châu Á như Indonesia, Malaysia, Singapore và Nhật Bản.

Theo ông Chris Razook, mục tiêu của Bộ quy tắc này bao gồm: Chuyên biệt hóa vai trò chủ sở hữu của nhà nước; tạo điều kiện để các DNNN hoạt động cùng với mức độ hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình như các DN tư nhân tốt và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DNNN và DN tư nhân.

Có thể điểm ra những nội dung nổi bật trong Bộ quy tắc như quyền của cổ đông và đối xử bình đẳng với cổ đông, vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTDN, v.v. Theo phản ánh của các DN áp dụng thí điểm Bộ quy tắc trên, HĐQT và Ban lãnh đạo các DN, thậm chí cả các cổ đông của DN sẽ rất chủ động trong cải thiện QTDN.

Cùng với Bộ quy tắc QTDN, SCIC còn xây dựng và áp dụng Sổ tay Hướng dẫn biểu quyết dành cho người đại diện vốn, với sự hỗ trợ của Tổ chức JICA và các chuyên gia tư vấn của Viện nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JERI). Với cuốn sổ tay này, việc tuân thủ và ứng xử của người đại diện vốn hứa hẹn góp phần thúc đẩy mạnh sự phát triển ở nhiều DN.

“SCIC hướng tới việc cải thiện tính khoa học và minh bạch trong vấn đề ra quyết định tại các công ty thuộc danh mục. Với Sổ tay Hướng dẫn biểu quyết, người đại diện tại DN được kỳ vọng sẽ nhận thức rõ hơn và nắm bắt vấn đề nhanh hơn trong quá trình nghiên cứu các tài liệu của DN phục vụ việc ra quyết định biểu quyết, tăng tính chuyên nghiệp của người đại diện. Còn Bộ quy tắc QTDN sẽ giúp người đại diện và SCIC trong việc tham gia vào các quyết định quản trị công ty theo các chuẩn mực quản trị tiên tiến, giúp công ty nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng giá trị DN, đồng thời gia tăng giá trị phần vốn nhà nước tại DN” - ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc SCIC đánh giá.

Đánh giá về 2 cuốn tài liệu này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) cũng cho rằng, Sổ tay hướng dẫn biểu quyết sẽ giúp người đại diện phần vốn có hướng dẫn để suy nghĩ, đánh giá nhiều hơn về chuyên môn khi tham gia quyết định trong DN mà họ đại diện. Còn Bộ quy tắc QTDN đã phản ánh những thông lệ quốc tế tốt về QTDN theo khuyến nghị mới nhất của OECD và G20, rất hữu ích khi đưa vào những nội dung tương ứng của luật nhằm tăng hiệu lực áp dụng của bộ quy tắc.

Theo ông Hiếu, hiện Việt Nam đứng thứ 87/189 nước về khung khổ QTDN – theo đánh giá của WB, tức là ở mức trung bình của thế giới với khung khổ pháp luật về quản trị khá đầy đủ. Nhưng thực tế, Việt Nam đang đứng trước rủi ro rất lớn bởi điểm số về thực tiễn QTDN của Việt Nam chỉ đạt được 35/100 – mức điểm quá kém. Trong khi đó, Philippines đứng sau Việt Nam về khung khổ nhưng lại có điểm thực tiễn 67/100, còn số điểm của Malaysia là 75, của Indonesia là 57 và Thái Lan là 84… 

“Việc SCIC phối hợp với các bên có liên quan để xây dựng, ban hành và áp dụng các tài liệu trên đã thể hiện một quyết tâm và nỗ lực lớn trong việc nâng cao hiệu lực quản trị của chính SCIC và các DN SCIC có cổ phần, phần vốn góp…” - Phó Viện trưởng CIEM đánh giá.

Ngày 29/3/2017, trong khuôn khổ các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản trị công ty tại các DN có vốn nhà nước, SCIC đã chính thức ra mắt các ấn phẩm quản trị công ty của SCIC dành cho đối tượng là người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN của SCIC. Trước khi công bố chính thức, hai tài liệu này đã được áp dụng thử nghiệm ở một số DN thuộc danh mục của SCIC và nhận được sự đánh giá tích cực từ người đại diện và cả DN. Theo đại diện SCIC, trong quá trình sử dụng, SCIC sẽ tiếp tục phối hợp với các DN thường xuyên đánh giá, xem xét và cập nhật để phù hợp với những thay đổi trong môi trường kinh doanh.

Đọc thêm