Thúc đẩy sớm triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bất chấp khó khăn do giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và các nước, Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu vẫn được khẩn trương thực hiện đồng loạt rất nhiều công việc và đã đạt nhiều bước tiến quan trọng.
Phối cảnh dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu.
Phối cảnh dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu.

Ngày 14/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì họp trực tuyến với UBND tỉnh Bạc Liêu, nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục chuẩn bị đầu tư cho dự án nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết, “Đây là Dự án động lực, có ý nghĩa quyết định trong 05 trụ cột kinh tế - xã hội và là 01 trong 03 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh Bạc Liêu.

Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, giúp tỉnh Bạc Liêu sớm tự chủ ngân sách và sớm vươn lên vào nhóm các tỉnh khá trong khu vực theo chỉ đạo Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh.

Tỉnh Bạc Liêu rất vui mừng khi thu hút được dự án đầu tư có quy mô lớn và quan trọng này. Dự án chắc chắn sẽ góp phần quan trọng phát huy thế mạnh và tiềm năng của tỉnh, đưa Bạc Liêu phát triển thành một trong những trung tâm của cả nước về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều phát biểu Kết luận cuộc họp trực tuyến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều phát biểu Kết luận cuộc họp trực tuyến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Gần đây Dự án đã có 03 bước tiến lớn và quan trọng, đó là: Bộ TN&MT phê duyệt Đánh giá tác động môi trường; Bến cảng khí hóa lỏng của Dự án tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) đã được Thủ tướng phê duyệt đưa vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050...

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án LNG Bạc Liêu như: Cơ chế áp dụng giá bán điện, vấn đề truyền tải điện; Chính sách hỗ trợ quy đổi ngoại tệ, bảo lãnh tỷ giá; Các hành lang pháp lý, chính sách liên quan đến cơ chế đầu tư, đến việc vận hành dự án trong thời gian tới....

Các đại biểu đã tập trung thảo luận để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án LNG Bạc Liêu trong thời gian tới.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án LNG Bạc Liêu trong thời gian tới.

Đây là những tiền đề rất quan trọng để Dự án có thể triển khai các bước tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế thì phía tỉnh Bạc Liêu cũng như Nhà đầu tư quan ngại sâu sắc về tiến độ của Dự án, bởi vì: Theo quy định tại Quy hoạch điện VII thì Dự án phải vận hành Tổ máy đầu tiên 750 MW vào năm 2024 và vận hành toàn bộ Dự án 3.200 MW trong năm 2027.

Để đảm bảo tiến độ này thì Hợp đồng mua bán điện của Dự án phải được ký kết chậm nhất trong năm 2021. Nếu trễ hơn, thì sẽ không thể đảm bảo tiến độ theo yêu cầu quy định của Thủ tướng.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đồng thời kịp thời báo cáo để Thủ tướng xử lí nếu có những vấn đề vượt thầm quyền các bộ, ngành.

Dự án nhà máy điện khí LNG, có mức đầu tư 4 tỷ USD, là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài, quy mô lớn nhất từ trước đến nay đầu tư vào tỉnh Bạc Liêu. Đây cũng là dự án động lực mà tỉnh Bạc Liêu rất mong sớm được triển khai.

Từ tình hình thực tế như trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị Tổ công tác Đặc biệt và các Bộ ban ngành ủng hộ, sớm xử lý các vướng mắc còn lại của Dự án. Đến nay còn 03 vấn đề thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở ký kết Hợp đồng mua bán điện với EVN.

Theo đó, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước để thực hiện Dự án (theo quy định tại Điều 11 Luật Đầu tư, Điều 3 Nghị định 31 của Chính phủ); Trình Thủ tướng phê duyệt Đấu nối truyền tải điện 500KV (bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia) đáp ứng theo tiến độ của Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu.

Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước, đề nghị Bộ Công Thương sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời cho phép EVN và Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu được triển khai ngay việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện (như thông lệ đã áp dụng với các dự án nhà máy điện có sử dụng vốn vay quốc tế trước đây).

Đọc thêm