Hội thảo gồm 3 phiên, tập trung thảo luận về xác định cách thức luật pháp quốc tế có thể giúp duy trì trật tự trên biển trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao - nhấn mạnh, trong những năm gần đây, những vấn đề nổi lên ở Biển Đông đã làm dấy lên mối quan ngại không chỉ trong giới học giả mà cả giới chính trị và các nhà hoạch định chính sách. Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, yêu cầu đặt ra là phải có tự do hàng hải và yêu cầu đó càng ngày càng trở nên rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn.
Ông Tùng cho rằng, trong thời gian qua, việc bảo đảm và đề cao nguyên tắc pháp quyền trên biển đã đạt được thành tựu đáng kể. Minh chứng tiêu biểu được ông chỉ ra là phán quyết hồi tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc. “Điều này giúp chúng ta nhìn nhận một cách rõ hơn việc diễn giải Luật Biển và Luật Quốc tế về biển. Các quốc gia có thể sử dụng phán quyết đó như xuất phát điểm rất thuận lợi để có thể diễn giải nội dung của Luật Biển cũng như làm nền tảng để xây dựng các chính sách liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển”, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh.
Trong phát biểu dẫn đề, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda bày tỏ mong muốn duy trì trật tự trên biển không phải bằng mệnh lệnh, sức mạnh mà bằng pháp luật. Đại sứ Umeda cho biết, sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài, Nhật Bản đã có những hành động đơn phương để thay đổi hiện trạng căng thẳng và cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật pháp để duy trì hoà bình trong khu vực. Tuy nhiên, ông cho rằng trật tự trên biển đã không được duy trì trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế kể từ sau phán quyết.
Còn PGS. TS. Kentaro Nishimoto, đến từ Khoa Luật ĐH Tohoku, Nhật Bản nhận định triển vọng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và trên Biển Đông khó có thể thành hiện thực trong tương lai gần nên điều quan trọng là cần phải quản lý các tranh chấp để duy trì hoà bình và an ninh trong khu vực.
Tham gia bình luận về giải quyết xung đột trên biển, GS Robert Beckman - Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách đại dương, Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học quốc gia Singapore - lưu ý các lực lượng hải quân trong khu vực thường xuyên cáo buộc lẫn nhau có hành vi thái quá, gây hấn, đe dọa đến an ninh hàng hải trong khu vực. “Nếu các quốc gia sử dụng tàu cá để ngụy trang, thực chất là tàu hải quân, sẽ là động thái nguy hiểm. Vấn đề này chưa được đề cập một cách chính thống song là vấn đề cần ưu tiên giải quyết. Nguyên nhân là vì một số hòn đảo các bên chiếm đóng rất gần nhau, tàu hải quân của các nước hoạt động trên cùng một vùng biển, nếu căng thẳng của lực lượng hải quân leo thang thêm 1 bước nữa thôi rất dễ dẫn đến xung đột”, GS Beckman cảnh báo.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever nhận xét các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông thời gian qua đã có những nỗ lực trong việc hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông Lever cho rằng, dù còn nhiều tranh luận nhưng ít nhất vẫn có “tiềm năng” để các bên theo đuổi COC, đưa nó trở thành công cụ có ý nghĩa và hiệu quả, giúp quản lý các tranh chấp cũng như bảo đảm môi trường hòa bình trên Biển Đông. Về phía Anh, ĐS Lever khẳng định Anh cam kết sẽ tham gia nhiều hơn nữa trong các vấn đề an ninh và trật tự trên biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.