Trải qua mấy phiên tòa, lần xử gần đây nhất bị cáo đã làm choáng váng tất cả những người tham gia và dự khán khi tuyên bố là có bị chung thân hay tử hình thì cũng sẽ khai ra toàn bộ sự thật bị che giấu lâu nay.
Theo bị cáo, nhận 200 triệu bà ta đã chạy án cho một kiểm sát viên, đồng thời là người tình của bà, chứng cứ là một chiếc USB có ghi lại các tình tiết và cả cảnh làm tình giữa hai người. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã không cho bị cáo về trại giam lấy cái chứng cứ nguy hiểm đó, đồng thời cũng không chấp nhận luật sư bào chữa, mặc dù các luật sư đã đến tòa đợi sẵn.
Điều bất ngờ là 5 luật sư bảo vệ quyền lợi của người bị hại đều đứng về phía bị cáo, người vợ của người bị hại (đã bị kết án 5 năm tù) với tư cách nhân chứng cũng cho rằng bị cáo đã khai đúng. Cuối cùng phiên tòa khép lại bằng việc trả hồ sơ điều tra lại và ai cũng nhận thấy đó là một quyết định đúng đắn.
Ở một diễn biến khác, tại Đà Nẵng, một người cho bạn ngủ nhờ một đêm tại nhà mình mà bị kết tội ‘bắt giữ người trái pháp luật”, bị khởi tố và tạm giam gần nửa năm nay (Báo Pháp luật Việt Nam có bài phản ánh chi tiết vụ này). Trong khi đó, “bị hại” phủ nhận hoàn toàn việc mình bị bắt giữ, khẳng định là mình xin ngủ nhờ vì có mâu thuẫn với vợ trong chuyện nợ nần tiền bạc với chủ nhà. Vụ này không gây “rúng động” như vụ án ở Tây Nguyên nhưng khả năng trở thành “kỳ án” thì rất lớn.
Lâu nay, chúng ta từng chứng kiến các vụ chạy án (và chạy một số thứ khác nữa) khi bị đưa ra xét xử thì thường với tội danh “lừa đảo” và vì thế đường dây chạy án không thể nào bóc gỡ và cứ tồn tại dai dẳng trong dư luận, tin đồn và không có bằng chứng. Còn một số vụ bắt người khẩn cấp, bắt tạm giam nhiều khi “vượt luật”, không cần thiết phải bắt, cứ bắt gây bất bình dư luận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng nhắc nhở cán bộ ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an cần nêu cao tấm gương “phụng công, thủ pháp” (Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1946). Nếu thực hiện đúng như lời Người dạy thì đâu có những vụ án như trên xảy ra!