Thực hiện nền kinh tế vì khí hậu: Băn khoăn lỗ hổng chính sách

(PLVN) - Nền kinh tế các-bon thấp là xu hướng tất yếu của hầu hết các quốc gia hiện nay. Nhưng tại Việt Nam, việc thực hiện vẫn còn “chập chững” những bước sơ khai và vẫn còn nhiều lỗ hổng chính sách.
Lượng khí thải CO2 toàn cầu đạt mức cao kỷ lục.
Lượng khí thải CO2 toàn cầu đạt mức cao kỷ lục.

Nền kinh tế các–bon thấp là một nền kinh tế dựa trên các nguồn năng lượng ít cácbon và có một sản lượng tối thiểu phát thải khí nhà kính vào sinh quyển – vốn là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu.

Cuộc đua toàn cầu

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, hiện có 30 quốc gia/vùng lãnh thổ đã áp dụng thuế các-bon và 31 quốc gia/vùng lãnh thổ áp dụng hệ thống trao đổi tín chỉ các - bon (ETS). Tới nay, đã có 77 quốc gia, 10 khu vực và 100 thành phố trong khuôn khổ Liên Hợp quốc cam kết các mục tiêu then chốt giảm lượng khí thải các-bon về bằng 0 vào năm 2050, cam kết hành động vì khí hậu và phát triển bền vững.

Đáng nói, sắp tới thời điểm các quốc gia phải thực thi cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris từ sau năm 2020, Việt Nam là thành viên nên buộc phải đẩy nhanh xây dựng thị trường các-bon nội địa và tham gia thị trường quốc tế.

Điều 6 của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho việc thực hiện các cơ chế thị trường các-bon sau Nghị định thư Kyoto, cho phép các quốc gia hợp tác để xây dựng hoạt động giảm nhẹ với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân.

Ba cơ chế chính gồm: Hợp tác thông qua chuyển giao quốc tế các kết quả giảm nhẹ phát thải; cơ chế thị trường mới hoặc cơ chế phát triển bền vững do Công ước khung (UNFCCC) giám sát; cơ chế phi thị trường.

Theo số liệu về kiểm kê khí nhà kính, năm 2013 nước ta phát thải khoảng 259 triệu tấn CO2 trong tổng số 36 tỉ tấn CO2 phát thải của thế giới (khoảng 0,72%). Đến năm 2014, tổng lượng phát thải tăng lên 284 triệu tấn CO2. Xu hướng này chiều tăng theo các năm nếu không được tác động kịp thời.

Mới đây, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã công bố 6 chương trình tín chỉ đủ điều kiện cung cấp tín chỉ cho các hãng hàng không tham gia Cơ chế bù trừ phát thải các - bon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA). Điều này có nghĩa là, từ năm 2021, các hãng hãng không thành viên ICAO sẽ phải mua tín chỉ các-bon để bù đắp phần chênh lệch, nếu lượng phát thải khí CO2 từ các chuyến bay quốc tế cao hơn mức phát thải trung bình của hai năm 2019 và 2020. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) 26 dự kiến diễn ra cuối năm 2020 bị hoãn lại, kéo theo việc thông qua các quy định này cũng bị dời lại đến năm sau.

Đến nay, thách thức lớn nhất của Việt Nam là lựa chọn và áp dụng công cụ định giá các-bon phù hợp với bối cảnh đất nước. Việt Nam trở thành thành viên của “Chương trình Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon” (PMR) vào năm 2012, và triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” (VNPMR) vào năm 2015. 

Sau 5 năm thực hiện dự án, Việt Nam hiện đã có các bước chuẩn bị cơ bản.  Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng có một Điều quy định về “Định giá các-bon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trong nước”. Đây được xem là bước đầu tạo tiền đề cho thị trường các-bon nội địa. 

Bên cạnh đó, việc thí điểm các chương trình tín chỉ các-bon và hợp tác thị trường các-bon quốc tế vẫn đang tiếp diễn. Có thể kể tới một số chương trình tín chỉ quốc tế đa phương như Cơ chế phát triển sạch (CDM), Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định (VCS), Dự trữ hành động khí hậu (CAR). Về song phương có cơ chế tín chỉ chung JCM, các cơ chế tương lai theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris. 

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Trong khuôn khổ Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam”, Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT đã nghiên cứu, đề xuất chính sách và hướng dẫn về hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tạo tín chỉ và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho các hoạt động này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, một hệ thống chính sách và cơ sở dữ liệu tốt cần dựa trên nền tảng hệ thống kiểm kê khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) một cách rõ ràng, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế.

Khí thải các-bon ở Việt Nam tăng hàng năm.
 Khí thải các-bon ở Việt Nam tăng hàng năm.

Dù vậy, thách thức lớn nhất hiện nay chính là có rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến quản lý phát thải các-bon. Để vận hành hiệu quả thị trường các-bon trong nước, các doanh nghiệp, tổ chức và các bên liên quan cũng cần được nâng cao nhận thức về vấn đề giảm thải các-bon, tránh những hành vi đối phó, “lách luật”.

Theo đó, các công ty phải có trách nhiệm với các bên liên quan như chính phủ, nhà cung cấp, nhà đầu tư, tổ chức tài chính, truyền thông, các tổ chức phi chính phủ, người tiêu dùng và công chúng trong việc buộc phải tiến hành đánh giá, giảm thiểu và thực hiện công báo cáo khí thải. 

Một cơ sở dữ liệu đầy đủ, minh bạch và chính xác về phát thải khí nhà kính trong sản xuất và kinh doanh sẽ giúp việc định giá các-bon nội địa chính xác hơn. Để đạt được những điều nêu trên đòi hỏi Chính phủ xây dựng  hệ thống đăng ký giao dịch để ghi nhận việc tạo tín chỉ, nhu cầu giao dịch và đóng góp cho các mục tiêu giảm phát thải.

Trên cơ sở thị trường các-bon nội địa, Việt Nam sẽ sẵn sàng tham gia thị trường các-bon quốc tế thông qua các thị trường song phương và đa phương. 

Yêu cầu giảm thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu của thế giới, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tác động của biến đổi khí hậu. Thị trường các-bon đã tồn tại trên thế giới qua nhiều thập kỷ, góp phần to lớn cho việc khuyến khích người dân giảm thải khí các-bon ra môi trường. Đây chắc chắn cũng là xu hướng tất yếu ở Việt Nam. Tuy nhiên lỗ hổng chính sách là một rào cản lớn. Mới đây, thêm một nước Đông Nam Á là Thái Lan đã tham gia thị trường các-bon thế giới. 

Cuộc chạy đua giảm thiểu khí nhà kính hiện này đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách về kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định các cấp. Đồng thời, các yêu cầu kỹ thuật, nhân lực và tài chính từ Nhà nước và doanh nghiệp khi vận hành thị trường kinh doanh tín chỉ các-bon vẫn phải được đảm bảo qua các phân đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.  

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Bộ KH&ĐT: 

 “Một số công cụ định giá các-bon phù hợp với điều kiện Việt Nam, bao gồm: Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) cho khu vực công nghiệp nặng, tiêu thụ nhiều năng lượng, phân bổ hạn ngạch miễn phí; Chương trình tín chỉ áp dụng cho các lĩnh vực không tham gia ETS và chứng chỉ xanh, tạo điều kiện để tham gia thị trường quốc tế theo Điều 6.4 Thỏa thuận Paris; Thuế các-bon (hoặc điều chỉnh lại một số sắc thuế hiện tại phù hợp với các hoạt động phát thải khí nhà kính) áp dụng cho các lĩnh vực không tham gia ETS; Chương trình Chứng chỉ xanh cho lĩnh vực năng lượng”.

Ông Francisco Kochm - Trưởng nhóm tư vấn chính sách khí hậu và định giá các-bon, South Pole:

“Việc xây dựng chương trình tín chỉ quốc gia sẽ giúp Việt Nam huy động tài chính trong nước và quốc tế cho các dự án phát triển các-bon thấp và bền vững. Trước hết, đáp ứng nhu cầu trong nước với giá thành rẻ hơn so với mua tín chỉ quốc tế.

Trong tương lai, các doanh nghiệp phát thải trong nước cũng có thể giảm chi phí tuân thủ hệ thống giao dịch phát thải hoặc thuế các-bon, đồng thời, thu hút đầu tư vào các dự án giảm nhẹ thông qua các cơ chế thuộc Điều 6 của Thỏa thuận Paris”.

Ông Rahuh Kitchlu, Trưởng ban Năng lượng của Ngân hàng Thế giới: 

 “Thị trường các-bon và các công cụ định giá các-bon được kỳ vọng sẽ giúp giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn thế giới. Việc áp dụng định giá các-bon cũng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân chung tay vì mục tiêu các-bon thấp của Việt Nam.

Nguồn lợi thu được có thể sử dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ cơ bản (nước, vệ sinh, điện...), hỗ trợ những người dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, nghiên cứu và phát triển các công nghệ giảm phát thải…”.

Đọc thêm