Thực hiện tốt Quy chế dân chủ sẽ giảm 80% các vụ việc rắc rối

(PLO) - Đó là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an khi đánh giá về việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trong thời gian qua.
Gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân là giải pháp quan trọng thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh minh họa.
Gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân là giải pháp quan trọng thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh minh họa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Thực tế cũng chỉ ra rằng, khi quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng thì sẽ tạo nên sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Người dân chưa đồng thuận thì chưa thể triển khai

Có thể nói, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong việc tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước cũng như góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.

“Thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực... Nhân dân tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Quyền làm chủ của nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hoá trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, vừa diễn ra ngày 16/7.

Đặc biệt, người đứng đầu Đảng ta cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở, giúp nhân dân thấy rõ quyền lợi của mình, tự giác thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và quyền dân chủ trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

“Ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng rồi mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng phải ra sức tuyên truyền, vận động, giải thích, hoặc biết chờ đợi dân, không gò ép, áp đặt một cách thô bạo”- Tổng Bí thư lưu ý.

“Tôi rất ủng hộ phát biểu của Tổng Bí thư. Đề cập đến vai trò dân chủ ở cơ sở thì người dân phải được làm chủ, điều này thể hiện trước hết là việc nhân dân phải được biết, sau đó được bàn, được kiểm tra và người thụ hưởng cũng là nhân dân. Tôi đánh giá cao ở chỗ, chúng ta đã bắt đầu đi đến cội rễ, nguồn gốc của vấn đề. Đó là trăm việc đều vì dân, mọi sức mạnh đều do dân và công việc có triển khai được hay không đều ở dân; khi dân chưa đồng thuận thì chưa thể triển khai, không thể biến ý tưởng, chính sách thành hiện thực được. Gốc rễ là ở đó.”- ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.

Phân tích sâu hơn, ông Tiến lấy ví dụ: đối với chính sách làm sạch vỉa hè, lòng đường, nếu dân chưa thông, chưa chịu thực hiện thì làm sao có vỉa hè quang đãng dành cho người đi bộ, mặc dù chính sách là đúng. Cho nên, chính quyền vẫn phải tuyên truyền để người dân nhận thức đúng vấn đề, bởi suy cho cùng vẫn là người dân thực hiện các chính sách đó.

Chính bởi vậy, vấn đề “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm, vừa là yêu cầu khách quan của việc nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. “Một lần nữa, vấn đề Tổng Bí thư nêu lên- theo tôi- cũng làm cho các cấp chính quyền ở cơ sở phải thức tỉnh và phải ý thức được rằng mình không phải cứ đưa ra chính sách là buộc dân phải theo, mà trước hết phải vận động, tuyên truyền, thuyết phục và làm cho dân hiểu hơn. Khi dân hiểu, dân tin thì mới “xắn tay” cùng chính quyền thực hiện”- ông Lê Như Tiến nhận xét. 

Người dân tin Đảng, tin chính quyền thì mọi việc sẽ làm tốt

Cùng quan điểm, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, nhiều khi chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đúng nhưng người dân vì không nắm được nên thắc mắc, khi thắc mắc không được giải đáp có thể dẫn đến sự bất bình, phản đối. Vì vậy, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm giải thích cụ thể cho người dân.

Theo Tướng Cương, phát biểu của Tổng Bí thư là ý mới, rất quan trọng và hoàn toàn đúng, do đó ông hết sức ủng hộ. “Những chính sách mà người dân chưa đồng tình, còn phản đối thì dứt khoát phải chờ đợi, khi nào dân thông thì mới làm”- ông nói.

Nêu lại những vụ việc xảy ra thời gian vừa qua liên quan đến lợi ích của người dân có biểu hiện áp đặt, ông Cương khẳng định nếu quán triệt ý kiến của Tổng Bí thư thì chắc không xảy ra, nhất là với những dự án lấy đất của dân.

“Tôi cho rằng nếu chúng ta quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến của Tổng Bí thư thì giảm đi 80% các vụ việc rắc rối vừa rồi. Ngay cả TP Đà Nẵng – thành phố đáng sống – 6 dự án đã khiến Nhà nước mất đi 3.400 tỉ. Chính quyền thành phố trong 10 năm vừa rồi đã làm nhiều chuyện chưa đúng. Nếu chính quyền, cấp ủy nghe dân thì làm gì có chuyện Vũ “nhôm”, làm gì có vụ việc AVG…”- Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Nhấn mạnh đến vai trò của công tác vận động, tuyên truyền, ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành, có hiệu lực thi hành mà người dân chưa hiểu sâu sát thì trách nhiệm của cơ quan công quyền, của những người đại diện, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các đoàn thể là phải vận động, tuyên truyền để người dân hiểu thông suốt và chấp hành một cách nghiêm túc.

Theo ông Hòa, các cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì và thực hiện những ý kiến chỉ đạo mới của Tổng Bí thư vì trong thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị đã hiểu được chủ trương này nhưng vẫn còn một vài nơi thực hiện QCDC chưa sát, chưa đúng như lòng mong muốn của người dân.

Việc giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa hay việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân... vẫn có một số nơi giải quyết chưa đến nơi đến chốn, để người dân đến cơ quan công quyền khiếu kiện nhiều lần. Hay việc tổ chức thực hiện việc cải cách hành chính thì vẫn gây phiền hà cho người dân, thậm chí hoạnh họe, rồi đòi hỏi vấn đề này, vấn đề khác đều là những vi phạm QCDC.

“Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư là lời cảnh tỉnh, cảnh báo và chỉ đạo cho toàn thể các tổ chức, cán bộ, đảng viên phải chấp hành để thực hiện QCDC ở  cơ sở cho tốt, để người dân tin Đảng, tin chính quyền. Khi người dân tin Đảng, tin chính quyền thì mọi việc sẽ làm tốt, vì như Bác Hồ đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Thực tế trong kháng chiến, trong thời bình và cả trong xây dựng đất nước cho thấy, nếu phật lòng dân, trái ý dân, dân không đồng tình ủng hộ thì tổ chức Đảng và chính quyền nơi đó sẽ bị suy yếu, thậm chí có nguy cơ bị những thế lực chống đối, phản đối xuyên tạc, hết sức nguy hiểm”, ông Hòa nêu quan điểm. 

Đọc thêm