Thực - hư 1 triệu tấn gạo bị “hủy” hợp đồng

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, việc ký hợp đồng giữa các doanh nghiệp nhiều khi không có những điều khoản ràng buộc mạnh như việc đền bù, bồi thường... nên đối tác dễ dàng hủy hợp đồng.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, việc ký hợp đồng giữa các doanh nghiệp nhiều khi không có những điều khoản ràng buộc mạnh như việc đền bù, bồi thường... nên đối tác dễ dàng hủy hợp đồng.

1 triệu tấn gạo bị hủy không phải thuộc một hợp đồng xuất khẩu gạo, mà là số liệu tổng hợp từ nhiều hợp đồng
1 triệu tấn gạo bị hủy không phải thuộc một hợp đồng xuất khẩu gạo, mà là số liệu tổng hợp từ nhiều hợp đồng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 7 tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo. Thế nhưng, khối lượng bị “hủy” lên đến gần 1 triệu tấn gạo. Phần lớn các hợp đồng bị hủy là ký với các thương nhân Trung Quốc. Số khác là các thương nhân Philippines ký hợp đồng nhưng không có quota nhập khẩu, nên tàu không được phép cập cảng.

Về vấn đề này, VFA cho biết, việc ký hợp đồng giữa các doanh nghiệp nhiều khi không có những điều khoản ràng buộc mạnh như việc đền bù, bồi thường... nên đối tác dễ dàng hủy. Để hạn chế số hợp đồng bị hủy, VFA đã khuyến nghị doanh nghiệp phải kiểm tra lại nội dung hợp đồng một cách chặt chẽ trước khi ký kết, đặc biệt với thương lái Trung Quốc. “Tuy nhiên, các hợp đồng bị hủy vừa qua không ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo” – đại diện VFA cho biết.

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ với Pháp luật Việt Nam rằng: “Tôi xin nói rõ, 1 triệu tấn gạo bị hủy nói trên không phải thuộc một hợp đồng xuất khẩu gạo, mà là số liệu thổng hợp từ nhiều hợp đồng, do nhiều nguyên nhân khác nhau như khách hàng không thanh toán, không mở L/C... Trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung dồi dào, sản lượng gạo trên thế giới tăng, nhiều  nước cùng tham gia xuất khẩu gạo, từ Thái Lan, Ấn Độ, đến Pakistan... nên các  bạn hàng truyền thống nhập khẩu gạo của Việt Nam là Philippines và Indonesia đã  giảm số lượng nhập khẩu do họ có nhiều sự lựa chọn...”. Vì thế, Bộ Công Thương đang nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để tìm “đầu ra” cho gạo.

Trong khi đó, kể từ khi kết thúc chương trình thu mua lúa gạo tạm trữ (15/8/2013), giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu hạ nhiệt và rớt từng ngày. So với đầu tháng 8/2013, giá lúa tại khu vực này đã giảm khoảng 200 - 500 đồng/kg tùy loại. Tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận, giá lúa còn rớt mạnh hơn. Giá lúa tươi IR 50404 thương lái mua tại ruộng hiện chỉ còn 4.000 - 4.200 đồng/kg.

 Được biết, VFA lại vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan, đề nghị mua tạm trữ 300.000 tấn lúa hè thu muộn và vụ thu đông từ ngày 15/9 đến 16/10 với 2 tháng hỗ trợ lãi suất tính từ ngày 15/9.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả giao hàng xuất khẩu gạo từ ngày 1-29/08/2013 đạt 521.681 tấn, trị giá FOB 223,844 triệu USD, trị giá CIF 229,737 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 01/01 đến ngày 29/08/2013 đạt 4,583 triệu tấn, trị giá FOB 1,966 tỷ USD, trị giá CIF 2,047 tỷ USD.

Mai Hoa

Đọc thêm