Khởi kiện vì máy hỏng hóc
Cụ thể, ngu dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) khởi kiện Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy (trụ sở ở Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (trụ sở tại phòng 606, tháp A1, tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong đơn khởi kiện, ông Liên cho biết Con tàu vỏ thép QNa-94679 TS công suất 944 CV (hành nghề chụp mực), trị giá hơn 16 tỷ đồng được đóng mới theo Nghị định 67. Thế nhưng, hệ thống máy trên tàu bị hư hỏng ngay từ khi xuống nước và đã phải nằm bờ suốt hơn 1 năm qua.
“Họ nói máy móc nhập từ Singapore trị giá hơn 2 tỷ. Ai ngờ, mới đưa vô vận hành đã hỏng máy, gỉ sét. Tôi đề nghị những bên liên quan phải nhanh chóng thay máy cho tôi, đền bù thiệt hại hợp đồng cho tôi để tôi an tâm sản xuất. Thời gian qua, tàu vẫn còn nằm ngoài âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), trong khi tôi phải vác đơn chạy xuôi chạy ngược khắp nơi vẫn chưa được giải quyết”, ông Liên trình bày
Ngày 29/6, trong cái nắng gây gắt ở âu thuyền Thọ Quang, ông Liên vẫn ngồi trầm ngâm bên con tàu vỏ thép của mình được hạ thủy từ tháng 3/2016. Sau lần ra tòa vào ngày 9/6, hiện ông đang chờ phiên tiếp theo với mong muốn vụ việc giải quyết ổn thỏa, ông nhận được tiền đền bù sửa chữa lại máy. Ông Liên kể, trước đây, ông phải bán con tàu gỗ (hơn 800 triệu đồng) và cầm cố nhiều giấy tờ mới có tiền đối ứng vay vốn ngân hàng cho con tàu mới này. Hơn 1 năm thất nghiệp, trong khi nợ chồng nợ, ông Liên đành phải gác lại nghề của mình để đi vá lưới cầm cự. Điều ông lo lắng là sau thời gian dài ngưng hoạt động, bạn tàu của ông Liên đã bỏ đi chỗ khác làm hết.
Nói về vụ kiện, ông Nguyễn Quang Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Bảo Duy thừa nhận và cho biết rất buồn vì phải gặp ngư dân Liên tại tòa.
Theo ông Kỳ, Công ty Bảo Duy có hợp đồng đóng tàu và hoàn thiện đúng hợp đồng. Vỏ tàu bằng thép Nhật nhập khẩu. Suốt 2 năm tàu không hoạt động phải nằm bờ nhưng vỏ tàu vẫn nguyên vẹn như mới. Còn phần hư hỏng máy tàu thuộc trách nhiệm của Công ty Liên Á khi lắp không ăn khớp.
“Tàu QNa - 94679 TS gặp sự cố hỏng máy khiến công ty cũng khốn khổ theo. Khi lắp đặt máy và chạy thử, đều có sự chứng kiến của Công ty Liên Á và ngư dân Liên. Việc kiểm định máy móc trước khi lắp đặt cũng được hai bên tiến hành chứ Bảo Duy không tham gia. Chúng tôi cũng chính là đơn vị thiệt hại khi mới nhận 3 tỷ đồng từ ngân hàng trong khi bỏ ra số vốn ban đầu lên đến 10 tỷ đồng”, ông Kỳ phân bua. Theo ông Kỳ, sau sự cố hư hỏng máy tàu, Công ty Bảo Duy đã huy động, đóng góp 600 triệu đồng để mua phụ tùng thay thế như yêu cầu của Công ty Liên Á. Tuy nhiên sau đó, phụ tùng này không thể thay thế được vì máy bị hư hỏng quá nặng.
Đóng tàu theo Nghị định 67 vẫn đang phát triển
Ngoài ông Liên, dư luận Quảng Nam cũng chú ý đến con tàu vỏ thép QNa-95997 TS công suất 822 CV trị giá 11,4 tỷ đồng, đóng theo Nghị định 67 của ông Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh), hiện đang nằm bờ tại Đà Nẵng. Ông Thu trình bày, ngày 12/6 vừa qua, khi đang đánh bắt ngoài Trường Sa cách bờ khoảng 135 hải lý, tàu bị hư hỏng hộp số và thả trôi trên biển. Ông Thu liên lạc về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (đóng tại Đà Nẵng) nhờ trợ giúp. Đến 19 giờ ngày 13/6, tàu ông Thu được lai dắt vào Đà Nẵng và hiện vẫn đang sửa chữa cho đến nay.
Theo ông Thu, mình là 1 trong 2 ngư dân đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đóng tàu theo Nghị định 67. Cũng chính vì đầu tiên tàu buộc phải đóng theo một trong 21 mẫu của Bộ NN&PTNT quy định để hành nghề lưới rê. Điều này khiến ông Thu phát hiện ra một số bất cập. Ông Thu chia sẻ, con tàu không được sửa kết cấu phù hợp nên khi hạ thủy vào tháng 11/2015 đã có hiện tượng rung lắc, nước trong khoang cá chảy về khoang máy. Sau đó, ông đầu tư thêm 500 triệu đồng, tự chuyển đổi nghề lưới rê sang nuôi lồng lươn nhưng hiệu quả khai thác vẫn không đạt yêu cầu.
Đáng nói, việc 2 tàu vỏ thép nằm bờ nêu trên khiến một số ngư dân tỏ ra hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam khẳng định, qua đánh giá thực tế, ngoài 2 tàu có sự cố đặc biệt đã nêu, việc đóng tàu theo Nghị định 67 của ngư dân trên địa bàn vẫn rất tốt.
Theo ông Tấn, toàn Quảng Nam hiện nay đã đóng được 35 tàu vỏ thép, trong đó có 31 phương tiện đã được cấp phép, đi vào sản xuất trên các vùng biển xa. Đơn cử, ngư dân Phan Bá Tầm đóng tàu ngay tại Nhà máy trên bàn tỉnh Quảng Nam theo Nghị định 67, sau khi hạ thủy vào 24/10/2016, đến nay hoạt động khá hiệu quả. Với những lợi thế trên, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổ chức 15 lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới nhằm phát huy những lợi thế của tàu vỏ thép và để ngư dân học làm quen với cái mới từ đó mới có thể đánh bắt hiệu quả. Đã có 70 thuyền viên ngư dân tham gia 2 lớp ở huyện Thăng Bình và Núi Thành. Các lớp tiếp theo sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Cũng theo ông Tấn, sắp đến, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 67; nhiều vấn đề phát sinh sẽ được mổ xẻ và Quảng Nam sẽ kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề “nóng” hiện nay là bảo hiểm tàu cá, chất lượng tàu cá, dự báo ngư trường, tổ chức lại sản xuất trên biển”, ông Ngô Tấn cho biết.