Thực hư tin đồn Nga sẽ sớm rút khỏi Ủy hội châu Âu

(PLVN) - Đại diện thường trực của Nga tại Ủy hội châu Âu Ivan Soltanovsky cho biết Nga đang tích cực thúc đẩy hợp tác với tổ chức và các quốc gia thành viên của tổ chức này.
Đại diện thường trực của Nga tại Ủy hội châu Âu Ivan Soltanovsky. Ảnh: TASS
Đại diện thường trực của Nga tại Ủy hội châu Âu Ivan Soltanovsky. Ảnh: TASS

Đại diện thường trực của Nga tại Ủy hội châu Âu Ivan Soltanovsky nói với TASS hôm Chủ nhật – 28/2 rằng: "Các phương tiện truyền thông thường xuyên lan truyền những tin đồn không có cơ sở thực tế rằng Nga sẽ sớm rút khỏi Ủy hội châu Âu. Tình hình như vậy không có lợi cho sự nghiệp chung".

Nhà ngoại giao này cho hay, mặc dù tình trạng dịch bệnh COVID-19 đã hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp xúc vật lý, nhưng điều này không cản trở kế hoạch sắp xếp chuyến đi của Tổng thư ký Ủy hội châu Âu Marija Pejcinovic Buric tới Nga vào tháng 10/2020.

Vào tháng 12/2020, Chủ tịch Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu Hendrik Daems cũng đã có chuyến thăm ngắn tới Moscow và đang có kế hoạch trở lại Nga trong thời gian tới. Vào tháng 2/2021, Tổng Giám đốc Nhân quyền và Pháp quyền của Ủy hội Châu Âu Christos Giakoumopoulos đã đến thăm Moscow.

"Bất chấp đại dịch, chúng tôi tiếp tục làm việc hết mình, bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga, bất chấp áp lực gia tăng đáng kể đối với đất nước chúng tôi. Chìa khóa thành công là tự tin vào lẽ phải của chính mình, bình tĩnh và một tầm nhìn xa hơn về các triển vọng", ông nói.

Ông Soltanovsky cho biết, trong 25 năm qua, với tư cách là thành viên của Ủy hội châu Âu, Nga đã đóng góp tích cực vào công việc của tổ chức và sẵn sàng mở rộng hợp tác để giải quyết những thách thức mới ở châu Âu, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại COVID-19 và việc chủng ngừa. "Tất nhiên, chúng tôi coi việc đấu tranh chống lại đại dịch COVID-19 trên thế giới là vấn đề ưu tiên. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các thành viên Ủy hội Châu Âu trong lĩnh vực tiêm chủng và bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi người đối với vắc-xin đã được chứng nhận trên lục địa châu Âu", ông Soltanovsky nói.

Ủy hội châu Âu (Council of Europe) là một tổ chức quốc tế làm việc hướng tới việc hội nhập châu Âu. Ủy hội được thành lập năm 1949 và có một sự nhấn mạnh đặc biệt trên các tiêu chuẩn pháp lý, nhân quyền, sự phát triển dân chủ, pháp quyền và việc hợp tác văn hoá.

Ủy hội có 47 quốc gia thành viên với khoảng 800 triệu công dân. Ủy hội khác biệt với Liên minh châu Âu (EU) nơi có các chính sách chung, các luật ràng buộc và chỉ có 27 nước thành viên. Tuy nhiên 2 tổ chức cùng chia sẻ một số biểu tượng của châu Âu, chẳng hạn như lá cờ châu Âu.

Các thiết chế theo luật định của Ủy hội là Uỷ ban Bộ trưởng bao gồm các bộ trưởng ngoại giao của mỗi nước thành viên, Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu gồm các nghị sĩ từ Quốc hội của mỗi quốc gia thành viên, và Tổng thư ký đứng đầu ban thư ký của Ủy hội châu Âu. Ủy viên Nhân quyền là một thiết chế độc lập trong Ủy hội châu Âu, được ủy nhiệm để thúc đẩy việc nhận thức và tôn trọng nhân quyền trong các quốc gia thành viên.

Các cơ quan nổi tiếng nhất của Ủy hội châu Âu là Tòa án Nhân quyền châu Âu, nơi thực thi Công ước châu Âu về Nhân quyền, và Ủy ban Dược điển châu Âu, cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng cho dược phẩm ở châu Âu. Việc làm của Ủy hội châu Âu đã dẫn tới việc lập ra các tiêu chuẩn, điều lệ và quy ước để tạo thuận lợi cho việc hợp tác giữa các quốc gia châu Âu và việc hội nhập nhiều hơn nữa.

Đọc thêm