Thực hư tin đồn Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ từ chức

(PLO) -Ngày 4/12, đảng Phong trào Giải phóng Dân tộc Palestine (Fatah) do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo đã thông báo danh sách các thành viên mới được bầu vào Ủy ban trung ương (18 thành viên) và Hội đồng cách mạng (80 thành viên). Ông Mahmoud Abbas đã được bầu lại làm Chủ tịch Fatah và điều này đồng nghĩa với việc ghế Tổng thống Palestine hiện chưa có người thay. 
Ông Mahmud Abbas
Ông Mahmud Abbas

Sự có mặt của 1.320 trong số 1.411 nghị sỹ và 60 đoàn đại biểu đến từ 28 nước tại đại hội lần thứ 2 của Fatah (khai mạc ngày 29/11 và kéo dài trong 5 ngày tại thành phố Ramallah) được tổ chức tại vùng lãnh thổ Palestine kể từ khi thành lập Chính quyền Dân tộc Palestine năm 1994, được dư luận trong và ngoài khu vực quan tâm. Bởi trước đó có tin nói rằng, Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ từ chức sau đại hội này.

Từ những tin đồn

Ngày 30/11, Tổng thống Mahmoud Abbas cảnh báo, nếu Israel không công nhận nhà nước Palestine, ông sẽ rút lại sự công nhận của Palestine đối với Israel. Đồng thời hy vọng, người dân Palestine sẽ giành được độc lập trong năm 2017.

Trước đó (1/11), ông Mahmoud Abbas khẳng định, hòa bình là mục tiêu chiến lược của người Palestine. Và nhấn mạnh, sẵn sàng cho giải pháp hai nhà nước dựa trên Sáng kiến Hòa bình Arab và các nghị quyết của LHQ.

Kể từ khi Tổng thống Yasser Arafat qua đời năm 2004, ông Mahmoud Abbas đã lãnh đạo cả Chính quyền Palestine và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Cùng ngày, Tổng Thư ký ủy ban điều hành PLO, ông Saeb Erekat đã kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem. 

8 tháng trước (tháng 4/2016), Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố, sẽ không tái ứng cử nếu Palestine tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới trong thời gian tới. Giới truyền thông cũng từng đưa tin (31/8/2015), Tổng thống Mahmoud Abbas đã đề nghị Fatah chọn 3 người để kế nhiệm ông.

Bởi trước đó (22/8/2015), ông Mahmoud Abbas đã từ chức Tổng Thư ký ủy ban điều hành PLO. Khi đó, có tin nói rằng, ông Mahmoud Abbas có kế hoạch từ chức vì lý do sức khỏe, tuổi tác và đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này.

Tờ al-Resalah khi đó cũng dẫn một nguồn tin từ Fatah cho biết, Tổng thống Mahmoud Abbas dự định sẽ sớm công bố quyết định từ chức, cho dù nhiều thành viên Fatah thuyết phục ông từ bỏ ý định này. Hơn 5,5 năm trước (14/5/2011), khi trả lời phỏng vấn với báo giới, Tổng thống Mahmoud Abbas từng tuyên bố, sẽ từ chức nếu tất cả các mục tiêu chính trị của ông, trong đó có thành lập một nhà nước Palestine được hoàn tất.  

Tên gọi đầy đủ của Tổng thống Mahmoud Abbas (sinh ngày 26/3/1935) là Mahmoud Reda Abbas "Abu Mazen". Là Thủ tướng đầu tiên của Palestine (tháng 4/2003), sau đó được bầu làm Chủ tịch PLO (2004) và Tổng thống từ năm 2005 đến nay. Gần 12 năm trước (10/1/2005), ông Mahmoud Abbas đã đắc cử Tổng thống sau khi nhận được 66,3% phiếu bầu, bỏ xa đối thủ Moustapha Barghouti với 19,7% phiếu bầu.

Theo luật của Palestine, nếu Tổng thống chết hoặc bị mất hết năng lực, Chủ tịch Quốc hội sẽ thay thế vị trí này. Và vì Chủ tịch Quốc hội Aziz Dweik thuộc Hamas, nên một số quan chức Fatah muốn bỏ qua vấn đề này với lý do, Quốc hội đã không họp khoảng một thập niên.

Gần 1,5 năm trước (18/6/2015), giới truyền thông từng dẫn nguồn tin giấu tên tiết lộ, Israel cùng với Ai Cập và Mỹ đang tìm cách thay thế Tổng thống Mahmoud Abbas, vì cho rằng ông không còn phù hợp để đối phó với các thách thức trong tương lai. 

Giới truyền thông từng đưa tin, ngay sau khi Syria từ chối trở thành địa điểm để các phe đối lập với Fatah như Hamas, Jihah, Mặt trận Nhân dân giải phóng Palestine (PFLP)… tổ chức một diễn đàn làm đối trọng với hội nghị quốc tế về Trung Đông ở Mỹ, Iran đã nhận đăng cai. Và họ chỉ chờ hội nghị quốc tế về Trung Đông thất bại để có cớ yêu cầu tìm người thay thế ông Mahmoud Abbas.

Còn theo giới phân tích, đại hội Fatah kể trên là cơ hội để Tổng thống Mahmoud Abbas thay các vị trí chủ chốt và gạt đối thủ chính trị như ông Mohammed Dahlan, người đang sống lưu vong tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Giới truyền thông từng đưa tin, “Bộ tứ Arab” - Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan và UAE, đã gây sức ép buộc Tổng thống Mahmoud Abbas giải quyết mâu thuẫn nội bộ để hướng tới hòa giải rộng rãi hơn giữa các phe phái Palestine. Và đó được coi là cách đưa ông Mohammed Dahlan quay lại Palestine, tranh ghế Tổng thống với ông Mahmoud Abbas.

Ông Marwan Barghouti
Ông Marwan Barghouti

Tới 2 ứng cử viên

Ông Mohammed Dahlan từng lãnh đạo lực lượng an ninh của Chính quyền Palestine tại dải Gaza cho đến năm 2007 và đã ra đi sau bất đồng với Tổng thống Mahmoud Abbas. Ông Mohammed Dahlan đã từ chức Cố vấn An ninh Quốc gia “vì lí do sức khỏe” bởi cựu Chỉ huy lực lượng an ninh của Chính quyền Palestine (sinh năm 1961 tại Khan Younis) ra đi trong khi 60 nhân viên an ninh đang bị xét xử vì tội để lọt dải Gaza một cách nhanh chóng vào tay Hamas.

Tuy không phải là một chính khách nổi tiếng, nhưng ông Mohammed Dahlan là nhân vật tranh cãi ở cả Palestine và Israel. Ông Mohammed Dahlan được mọi người biết tới với biệt danh Abu Fadi và một trong những thành tích được coi là ngoạn mục từng làm dưới thời cố Tổng thống Yasser Arafat là thuyết phục quân đội Isarel rút quân khỏi dải Gaza (từ 19/8/2002).

Theo giới truyền thông, ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Mahmoud Abbas đã bắt tay ngay vào cải tổ nội các, trong đó có bộ máy an ninh và người giúp ông hoàn tất công việc khó khăn này là Mohammed Dahlan.

Và ông Mohammed Dahlan từng bị Hamas và Jihad ám sát hụt khi tới dự lễ tưởng niệm cố Tổng thống Yasser Arafat ở dải Gaza hôm 14/11/2004. Theo đánh giá của giới chuyên môn, ông Mohammed Dahlan là một trong số ít lãnh đạo Palestine được cả Mỹ và Israel tin tưởng. Thậm chí từng có tin nói rằng, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia được coi là một trong những ứng cử viên tiềm năng kế vị Tổng thống Yasser Arafat. 

Nhưng đa số thành viên của Ủy ban trung ương đảng Fatah, người được ủng hộ nhiều nhất là ông Marwan Barghouti, cho dù đang ngồi tù ở Israel. Ông Marwan Barghouti (sinh ngày 6-6-1959 tại làng Kobar, gần thành phố Ramallah) được Pháp gọi là "Nelson Mandela" của Palestine và từng được coi là người kế thừa xứng đáng nhất chiếc ghế Tổng thống của cố Chủ tịch Yasser Arafat.

Chủ trương đấu tranh của ông Marwan Barghouti vừa khá tương đồng với lãnh tụ Nam Phi Nelson Mandela, vừa có khí chất mãnh liệt, sẵn sàng dùng bạo lực của cố Chủ tịch Yasser Arafat. Và ông Marwan Barghouti đã bị tuyên tới 5 án tù chung thân đúng ngày sinh nhật lần thứ 45 (6/6/2004) vì chỉ huy các chiến binh người Palestine đánh bom ở Israel làm chết nhiều người.

Tuy xuất thân từ Fatah, nhưng sau khi bị bắt và ngồi tù, ông Marwan Barghouti lại được Hamas đặt điều kiện với Israel - phải thả ông để đổi lấy tự do của binh sĩ Gilad Shalit. Tuy ở trong nhà tù Israel, nhưng ông Marwan Barghouti vẫn thành lập đảng mới al-Mustaqbal (Tương lai) hôm 14/12/2005 để quy tụ thành phần trẻ trung thành với đường lối đấu tranh của cố Chủ tịch Yasser Arafat.

Ngoài ra, ông Marwan Barghouti còn cùng các lãnh đạo Hamas, PFLP, Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine và DFLP đưa ra sáng kiến “Văn bản hòa giải dân tộc của các tù nhân”, trong đó kêu gọi thành lập chính phủ liên hiệp và đàm phán với Israel để xây dựng một nền hòa bình vĩnh viễn, thành lập nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967...

Trong số những người Israel ngưỡng mộ ông Marwan Barghouti có ông Haim Oron, cựu Chủ tịch đảng Meretz (đã rời chính trường từ đầu năm 2011), được coi là đại diện tiêu biểu cho trường phái hòa bình ở Israel. Dư luận và giới truyền thông cho rằng, ông Marwan Barghouti là một trong những nhân tố quyết định sự đoàn kết, thống nhất toàn thể Palestine, là tiếng nói có tác động mạnh tới đường lối đấu tranh của Palestine đối với Israel.

Ngày 4/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cáo buộc Israel cố tình cản trở nỗ lực đạt thỏa thuận hòa bình với Palestine. Đồng thời nhấn mạnh, nội các của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đưa ra những tuyên bố "hết sức quan ngại". “Hơn 50% thành viên nội các đã công khai phản đối một nhà nước Palestine", ông John Kerry khuyến cáo.
Gần 2 tháng trước (24/10), tờ Al-Quds của Palestine đăng bài phỏng vấn (lần đầu tiên) với Bộ trưởng Quốc phòng Israel và theo ông Avigdor Lieberman, nước này cần một đối tác thay thế Tổng thống Mahmoud Abbas.
Ông Avigdor Lieberman tuyên bố, Israel sẵn sàng dỡ bỏ (lần đầu tiên) việc phong tỏa dải Gaza, cùng với việc xây dựng lại cảng biển, sân bay và các khu công nghiệp tại vùng lãnh thổ này, nhưng chỉ khi Hamas chấm dứt hoạt động đào hầm qua biên giới, phóng rocket vào lãnh thổ Israel và các hoạt động buôn lậu vũ khí.

Đọc thêm