Thúc tiến độ nhiều dự án điện trọng điểm, cấp bách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều dự án truyền tải điện cấp bách để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây là những khó khăn được nhận diện trong nhiều năm gần đây và chỉ có thể giải quyết được khi có sự quyết liệt vào cuộc của các bên liên quan.
Thúc tiến độ dự án 220kV Nậm Sum - Nông Cống.
Thúc tiến độ dự án 220kV Nậm Sum - Nông Cống.

Quyết liệt sớm giải quyết các vướng mắc

Các dự án truyền tải điện luôn là thách thức với ngành điện trong một số vấn đề như giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng… Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống (phần đường dây trên lãnh thổ Việt Nam) đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An là một ví dụ. Đây là một dự án cấp bách, được đầu tư xây dựng nhằm mục đích nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Sum (Lào) về Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực đánh giá, đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, được Ban này đưa vào danh mục dự án trọng điểm. “Nếu dự án không hoàn thành trong quý III/2023, không chỉ ảnh hưởng đến cung cấp điện của 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa mà còn ảnh hưởng uy tín trong hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Lào trong lĩnh vực năng lượng” - ông Hiếu nói trong một chuyến công tác đốc thúc tiến độ dự án.

Tuy nhiên, dự án này đang gặp khá nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn nhất hiện nay vẫn là vướng mắc công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Có đến 97,1% các vị trí móng cột (nằm trên địa bàn Nghệ An) bị ảnh hưởng bởi diện tích đất rừng. Bên cạnh đó là một số vướng mắc liên quan đến đơn giá bồi thường mặt bằng. Đại diện Sở Công Thương Nghệ An cho biết, tỉnh đã có nhiều chỉ đạo và cam kết sẽ xử lý những khó khăn này sớm nhất.

Dự án trạm biến áp và đường dây 220kV Bát Xát - Bảo Thắng - Lào Cai cũng là một dự án trọng điểm, cấp bách với mục tiêu đảm bảo giải tỏa công suất thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Dự án đặt mốc về đích trong quý IV/2023. Tuy nhiên, đây cũng đang là “điểm nóng” cần đốc thúc đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Khó khăn của dự án cũng không nằm ngoài vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng.

Mới đây, lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Lào Cai, mong muốn hai bên có những động thái quyết liệt để sớm giải quyết các vướng mắc, đưa dự án về đích đúng thời hạn.

Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, các dự án truyền tải điện trên địa bàn là để phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, đóng góp to lớn cho sự phát triển của tỉnh, nên tỉnh Lào Cai xác định đây là trách nhiệm của mình. Thậm chí, ông Khánh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phải chung sức cùng chủ đầu tư chứ không phải “hỗ trợ” chủ đầu tư, phải xác định đó là trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình, cần tập trung ưu tiên.

Quyết liệt hơn, ông Khánh yêu cầu huyện Bát Xát rà soát lại từng vướng mắc của các hộ dân, trường hợp nào đủ điều kiện bồi thường thì triển khai ngay. Đối với những hộ cố tình không hợp tác, cần huy động hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động; Sau khi đã tính đúng, đủ, hoàn thiện hồ sơ pháp lý mà chưa nhận được sự hợp tác từ người dân sẽ tiến hành cưỡng chế để đầu tháng 4 bàn giao mặt bằng cho đơn vị triển khai thi công.

Nhiều khó khăn không thể chủ động giải quyết

Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), Ban Chỉ đạo đang theo dõi tiến độ 88 dự án nguồn và lưới điện. Trong quá trình triển khai các dự án gặp rất nhiều vướng mắc như quy hoạch điện VIII vẫn chưa được phê duyệt nên EVN chưa có đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo của 2 dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II; Một số dự án lưới điện truyền tải còn vướng mắc về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện VII điều chỉnh. Công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới điện tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận hướng tuyến, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng,...

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án lưới điện truyền tải, phân phối do EVN và các đơn vị thành viên của EVN làm chủ đầu tư đều phải đề nghị Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nên phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tại UBND cấp tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Dự án đường dây truyền tải, phân phối có phạm vi trải dài trên địa bàn 2 tỉnh trở lên sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà không phân biệt nhóm dự án (không phân biệt giá trị lớn, nhỏ).

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi đơn giá ban hành của Nhà nước chưa theo kịp thực tế, nên một số gói thầu phải thực hiện xử lý tình huống hoặc hủy thầu do vượt dự toán gói thầu. Tất cả những vấn đề này đều dẫn đến kéo dài thủ tục đầu tư dự án, khiến tiến độ dự án luôn là một thách thức không nhỏ cho ngành điện.

Đọc thêm