"Thược dược đen": Từ tiểu thư đài các tới kẻ giết người máu lạnh

(PLO) - Sáng 15/1/1947 là một buổi sáng lạnh lẽo và u ám. 10h sáng, Betty Bersinger đang dẫn cô con gái 3 tuổi đi dọc con phố ở trung tâm Los Angeles (Mỹ) thì bà nhận thấy có cái gì trắng trắng nằm ở phía trước. Nhìn từ xa, bà Bersinger nghĩ rằng cái hình thù ấy là một con ma-nơ-canh bị vỡ do một cửa hàng nào đó vứt đi. Nhưng khi nhìn gần hơn, bà kinh hãi nhận ra rằng đó là một cơ thể phụ nữ bị chặt đôi, mặt mũi bị rạch nát đến biến dạng. 
Elizabeth Short 
Thi thể bị rạch nát
Ngay sau khi nhận được tin báo từ bà Bersinger, hai thám tử, Harry Hansen và Finis Brown được phái đến hiện trường ở đại lộ Norton, nằm giữa phố 39 và Coliseum. Khi đến hiện trường, họ thấy cánh phóng viên và những người hiếu kỳ đã bao vây từ lúc nào. Hai thám tử rẽ đám đông, yêu cầu người dân lùi lại để tiến hành công việc.
Thi thể một người phụ nữ bị cắt đôi dần hiện ra. Phần mặt nạn nhân úp xuống đất, tay giơ cao qua đầu, phần thân dưới cách thân trên khoảng 30cm. Phần chân của nạn nhân dang rộng, cả gương mặt sưng phù với rất nhiều mảng thịt bị xẻo ở mọi chỗ. Đặc biệt, miệng nạn nhân bị rạch một vệt dài hơn 7cm mỗi bên khiến gương mặt cô như đang nở một nụ cười gượng gạo.  Trên cổ tay và mắt cá chân thi thể còn có nhiều vết xước chứng tỏ nạn nhân đã bị trói trước khi chết. 
Sau khi thực hiện khám nghiệm, cảnh sát xác định nạn nhân là một phụ nữ trẻ cao khoảng 1m65, mắt xanh nhạt, tóc nâu. Mặc dù hộp sọ của nạn nhân không bị vỡ nhưng cảnh sát phát hiện những vết méo ở mặt trước, tụ máu ở phần bên phải hộp sọ, cho thấy nạn nhân đã bị đánh nhiều nhát vào đầu bằng gậy bóng chày. 
Kinh khủng nhất là việc nạn nhân đã bị hãm hiếp, bị ép nuốt rác rưởi và nhiều thứ nhơ bẩn trước khi chết. Kết luận giám định cho biết nạn nhân chết vì ngạt thở và xuất huyết sau khi bị rạch mép và chấn thương mạnh ở sọ não.
Trên cơ thể nạn nhân và đám cỏ xung quanh không dính tí máu nào nên nhiều khả năng nạn nhân đã bị giết ở nơi khác và từng mảnh xác bị lôi đến khu vực này. Có sương bên dưới xác chết nên họ đoán rằng xác nạn nhân đã được đặt ở đây từ sau 2 giờ sáng - khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Đáng chú ý hơn cả là dòng chữ được viết bằng son môi đỏ trên thi thể nạn nhân có nội dung: “BD AVENGER” (Người trả thù Black dahlia - Thược dược đen).
Thược dược đen là ai?
Do tính chất man rợ của thủ pháp gây án, vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận trên khắp nước Mỹ thời bấy giờ. Trong những năm 1940, cảnh sát và báo chí có mối quan hệ cộng sinh. Phóng viên lấy tin tức từ cảnh sát và cảnh sát dùng báo chí để lan truyền thông tin, nhờ người dân giúp tìm ra manh mối giải quyết vụ án. 
Các thám tử đã đưa cho tờ Los Angeles Examiner dấu vân tay của nạn nhân. Các phóng viên đã dùng một loại máy là tiền thân của máy fax để gửi bản phóng to dấu vân tay cho trụ sở Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở Washington. Kỹ thuật viên FBI đã so dấu vân tay này với 104 triệu dấu vân tay có trong kho hồ sơ và nhanh chóng phát hiện ra đó là dấu vân tay của một người tên là Elizabeth Short. 
Elizabeth Short (SN 29/7/1924) là tiểu thư của một gia đình khá giả. Cha cô là ông Cleo Short, chủ một doanh nghiệp xây dựng có tiếng ở Hyde Park, bang Massachusetts. Tuy nhiên, cuộc suy thoái vào cuối những năm 1920 đã khiến cho việc làm ăn của ông Cleo lao đao, buộc ông phải giả tự tử vào năm 1930 để trốn nợ. 
Sau khi bỏ lại chiếc ô tô và dàn dựng hiện trường của một vụ nhảy cầu, ông Cleo bỏ lại người vợ là bà Phoebe cùng 5 cô con gái và lẳng lặng trốn tới bang California. Bà Phoebe buộc phải còng lưng chống chọi với áp lực của vụ phá sản và chật vật kiếm sống để nuôi 5 đứa con. 
Một thời gian sau, ông Cleo trở về xin lỗi bà Phoebe và mong muốn quay lại sống chung với vợ con. Tuy nhiên, cảm thấy không thể tha thứ được cho chồng, bà quyết định từ chối. Dù cha mẹ ly thân nhưng Elizabeth Short vẫn giữ liên lạc với ông Cleo.
Năm đầu học trung học, Elizabeth phải nghỉ học vì bệnh hen suyễn. Theo khuyến nghị của các bác sỹ, bà Phoebe đã sắp xếp cho con gái tới Florida sống cùng với gia đình một người bạn vào mùa đông và sẽ trở về nhà vào mùa xuân và mùa hè, khi thời tiết đã ấm áp.
Năm 16 tuổi, Elizabeth tìm được việc làm phục vụ bàn tại Miami. Môi trường trong quán bar dần biến Elizabeth ngây thơ, yếu ớt trở thành một cô gái dạn dĩ, phóng khoáng. Năm 19 tuổi, Short chuyển đến Vallejo, bang California ở với bố. Kể từ đây, cô bắt đầu nuôi hi vọng trở thành ngôi sao Hollywood.
Lối sống ăn chơi và mối tình dang dở
Ước mơ của Elizabeth ngay từ đầu đã không suôn sẻ khi mối quan hệ của cô với bố chẳng còn thân thiết sau nhiều năm xa cách. Họ như hai người xa lạ, lúc nào cũng xung khắc. Ông Cleo muốn cô con gái ngoan ngoãn ở nhà chăm lo bếp núc, trong khi Elizabeth lại là một con người tự do, thích bay nhảy. Cô tìm được việc làm trong phòng bưu chính ở trại Cooke, một căn cứ không quân tại Lompoc.
Giữa cả một trung đoàn gồm lính độc thân sắp ra chiến trận, chỉ có mình Elizabeth là con gái. Hơn nữa, ở cô hội tụ tất cả những tiêu chí trong quan niệm vẻ đẹp lý tưởng ở thập niên 40 của thế kỷ XX. Đôi chân tròn lẳn, cặp hông đầy đặn và cái mũi hếch nhỏ nhắn, với làn da trắng mịn, đôi mắt màu xanh nước biển nhạt, đôi môi luôn đỏ rực ánh son và mái tóc đen bồng bềnh luôn có sự hiện diện của một bông hoa thược dược, trông cô như một búp bê sứ.
Mỗi bước đi của cô kéo theo hàng loạt con mắt thèm muốn. Các thanh niên ra sức lôi kéo sự chú ý của cô, gọi cô là cô em xinh xắn trong doanh trại, tán dương cô có phẩm chất một ngôi sao điện ảnh. Điều này khiến Elizabeth cảm thấy rất mãn nguyện. Mặc dù vậy, cuộc sống an nhàn chấm dứt vài tháng sau đó khi Elizabeth bị bắt tại một quán rượu ở Santa Barbara vì chưa đủ tuổi uống rượu và bị đưa về nhà ở Medford.
Trở về nhà, Elizabeth vẫn không thể quên được cuộc sống phồn hoa nơi đô thị. Cô thường xuyên bỏ nhà đến Chicago, Florida, California và Massachusetts để hoà mình vào các câu lạc bộ đêm ở nơi đô thị. Cô yêu nhạc, yêu đàn ông và yêu không khí ở đây. Không khi nào người ta thấy Elizabeth ở một mình.
Thế rồi, trong một bữa tiệc cuối năm 1944 tại một câu lạc bộ đêm, Elizabeth bắt gặp một chàng trai trẻ nổi bật trong đám tạp nham, đó là Thiếu tá Matt Gordon. Elizabeth nhanh chóng rơi vào lưới tình của người đàn ông điển trai. Cô viết thư thổ lộ chuyện tình cảm với mẹ rằng cô rất yêu người đó, rằng anh thật tuyệt vời và đã hỏi cưới cô. 
Cô cũng dần từ bỏ lối sống “bướm đêm” ở các câu lạc bộ và trở về nhà. Sau khi trở về Medford, Elizabeth đeo phù hiệu phi công của Matt lên áo như một kỷ vật đính ước giữa hai người. Không ngày nào là cô không quên đem những chiếc khăn lanh thêu tay Matt gửi về từ Philippines ra ngắm nghĩa, mơ màng tưởng tượng về một đám cưới với chiếc váy lụa dài, hoa cưới và thực đơn đãi khách. 
Song, số phận không chiều lòng người. Cuối tháng 8/1945, khi chiến tranh kết thúc, Elizabeth nhận được tin Matt hi sinh. Đó cũng chính là thời điểm bắt đầu cho những ngày tháng sống trong ám ảnh về người tình quá cố Matt Gordon của Elizabeth Short.
Còn tiếp...

Đọc thêm