Thuốc giảm đau làm “rung lắc” nước Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Viện nghiên cứu lạm dụng thuốc Mỹ, tình trạng lạm dụng và quá liều thuốc giảm đau bùng phát ở Mỹ từ hơn hai thập kỷ qua. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thống kê, hai thập kỷ qua, gần 400.000 người đã chết vì thuốc giảm đau kê đơn hoặc không đơn.
Nhân viên y tế Mỹ cấp cứu người nghiện dùng Fentanyl quá liều. (Nguồn: Forbes)
Nhân viên y tế Mỹ cấp cứu người nghiện dùng Fentanyl quá liều. (Nguồn: Forbes)

Vì sao tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau “bùng nổ”?

Fentanyl là thuốc giảm đau chứa Opioid tổng hợp đầu tiên, mạnh gấp 100 lần Morphin, gấp 50 lần Heroin do hãng dược Paul Janssen tổng hợp năm 1960, y tế Mỹ sử dụng năm 1968 và năm 2017 là thuốc giảm đau opioid tổng hợp sử dụng rộng rãi nhất. Có nhiều tác dụng phụ nhưng nguy hiểm nhất là lú lẫn; ảo giác và rối loạn phối hợp động tác chân tay; suy hô hấp, tụt huyết áp, hôn mê.

Năm 1974, từ Fentanyl, các nhà hóa học Janssen Pharmaceutica, gồm cả Paul Janssen (1926 - 2003), Nam tước, bác sĩ gốc Bỉ - người sáng lập hãng này, tổng hợp được Carfentanyl, mạnh gấp 1.000 lần Morphin. Do chứa các loại Opioid tổng hợp rất mạnh nên các loại thuốc này đều nhanh chóng gây nghiện. Nghiện thuốc với biểu hiện hội chứng “cai” ma túy điển hình khi nồng độ Opioid trong máu giảm xuống, gây rất nhiều rối loạn thể chất, thần kinh, tâm thần, mà “dòi bò trong xương” là triệu chứng khủng khiếp nhất với người nghiện.

Theo Viện lạm dụng thuốc Mỹ, tình trạng lạm dụng và quá liều thuốc giảm đau bùng phát ở Mỹ từ hơn hai thập kỷ qua. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thống kê, hai thập kỷ qua, gần 400.000 người đã chết vì thuốc giảm đau kê đơn hoặc không đơn. Năm 2017, trong 70.200 tử vong do quá liều thuốc nói chung, có 47.000 ca do thuốc giảm đau… Sau dịch COVID-19 số tử vong do quá liều thuốc chứa ma túy tăng khoảng 44% hàng năm. Trong 12 tháng cho đến tháng 3/2020 có khoảng 76.000 tử vong và 12 tháng cho đến tháng 3/2022 có hơn 109.000 người Mỹ chết vì quá liều thuốc chứa ma túy, trong đó do Fentanyl chiếm hơn 2/3.

Hai năm gần đây, số tử vong do Opioid tổng hợp tăng 80%... Huyền thoại nhạc Pop, Prince Rogers Nelson; Coolio (tên thật Artis Leon Ivey Junior) ca sĩ nhạc Rap từng đoạt giải Grammy; ca sĩ nhạc đồng quê Luke Bell của Mỹ… là những nạn nhân Fentanyl. Một thống kê cho thấy mỗi ngày ở Mỹ có 91 người chết vì thuốc giảm đau gây nghiện, trong khi hai thống kê khác là 115 và 130, còn theo Reuters là 142.

30/50 bang ở Mỹ kiện các hãng dược Purdue Pharma, Insys Therapeutics, Teva Pharmaceuticals USA (công ty mẹ ở Israel) và Cephalon, Endo thuộc Teva, Johnson & Johnson, Allergan, Janssen Pharmaceuticals, McKesson, Cardinal Health, Amerisource Bergen... Các hãng này bị cáo buộc tiến hành những chiến dịch quảng bá gian dối: “thổi phồng” những công dụng tốt, hạ thấp tác dụng phụ và nguy cơ gây nghiện của thuốc giảm đau. Bộ trưởng Tư pháp bang Oklahoma, Mike Hunter nói: “… Một chiến dịch giả dối trị giá hàng triệu USD tẩy não người bệnh, để bán các loại thuốc giảm đau gây nghiện như thuốc “thần thánh”. Lẽ ra, các loại thuốc giảm đau Opioid chỉ dùng cho những cơn đau cấp tính hoặc thời gian ngắn thì nhiều thập kỷ, các bác sĩ lại kê đơn kéo dài nhiều tháng, nhiều năm để chữa đau mãn tính, dẫn đến sử dụng tràn lan, quá liều và nghiện - thực chất là nghiện ma túy.

Để tăng doanh thu thuốc giảm đau Fentanyl dạng xịt (biệt dược Subsys), từ năm 2012 - 2015, hãng Insys đã trả tiền cho bác sĩ hay người đứng đầu các phòng khám... để họ kê lượng lớn thuốc loại này, trong khi Subsys chỉ được chỉ định với cơn đau ung thư.

Công tố viên đã trình Tòa số tiền hối lộ, mà “đình đám” nhất là Insys chi 260.000 USD cho hai bác sĩ ở New York và năm 2014 họ đã kê Subsys tới 6 triệu USD. Rất nhiều bệnh nhân không bị ung thư cũng được khuyên dùng Subsys. Thượng nghị sĩ Claire McCaskill, chỉ đạo điều tra Insys nói: “Thật khó tưởng tượng điều gì đáng ghê tởm hơn”. Sau 5 năm, từ khi tung ra Subsys, doanh số của hãng tăng từ 14 triệu năm 2012 lên gần nửa tỉ USD; năm 2016, hãng này vào top 500 công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Bắc Mỹ.

Từ tháng 1 - 4/2019, ngoài John Kapoor, tỷ phú Mỹ gốc Ấn, người sáng lập tập đoàn Insys, còn 4 bị cáo khác thuộc hãng này bị Tòa buộc tội hối lộ bác sĩ để kê đơn thuốc giảm đau cho những người chưa cần, tội danh này có mức án 20 năm tù. Trước đó, tháng 12/2016, 6 cựu giám đốc điều hành và quản lý của Insys đã bị truy tố. Công ty này còn “tuyển dụng” nhân viên của một câu lạc bộ thoát y, dù cô này không có bằng cấp dược, với nhiệm vụ trả hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau.

Tháng 4/2019, Công tố viên liên bang Mỹ công bố: 31 bác sĩ, 22 dược sĩ và 7 người là chủ sở hữu, điều hành hoặc nhân viên phòng khám ở Ohio, Kentucky, Tennessee, Tây Virginia (những bang có số người quá liều thuốc giảm đau cao nhất) và Alabama bị truy tố vì kê 350.000 toa (khoảng 35 triệu viên) thuốc giảm đau không cần thiết.

Chỉ riêng khoản tiền 3 hãng Teva USA, Purdue, Insys phải bồi thường cho nạn nhân đã là 580 triệu USD… Insys đã nộp hồ sơ phá sản và sẽ bán tài sản sau khi điêu đứng cả tài chính lẫn pháp lý. Ngoài ra, các hãng này còn phải chi trả các chi phí luật pháp khác, như bang Oklahoma yêu cầu Johnson & Johnson đền bù 17,5 tỷ USD…

Lạm dụng và nghiện thuốc giảm đau tiêu tốn của nước Mỹ mỗi năm gần 80 tỷ USD. Riêng năm 2017, Mỹ phải chi 115 tỷ USD để điều trị người nghiện thuốc, nuôi trẻ em mà cha mẹ bị mất sức lao động hoặc chết vì thuốc, bị xét xử và thực thi luật pháp.

Lo ngại nhất là số đơn thuốc giảm đau bình quân/dân số ở Mỹ cao hơn rất nhiều nước khác trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, là nguyên nhân người ở tuổi lao động tham gia lao động ở Mỹ thấp hơn nhiều các nước trong khối. Từ 1999 - 2005, nam giới Mỹ tuổi 25 - 54 mất 20% lực lượng lao động và nữ ở độ tuổi này mất 25% vì nguyên nhân này. Năm 2017, 2018, Tổng thống Donald Trump gọi đây là “vấn nạn chưa từng thấy” và tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng; thông báo kế hoạch áp dụng án tử hình đối với tội buôn lậu thuốc giảm đau; tuyên bố lập quỹ 6 tỷ USD trong 2 năm 2018 - 2019, nhằm hỗ trợ các sáng kiến chống lạm dụng thuốc giảm đau.

Những động thái pháp lý để ngăn chặn

Theo AFP, tháng 4 năm 2023, Bộ Tư pháp Mỹ chỉ đích danh 4 người con trai của trùm ma túy Mexico, Joaquin “El Chapo” Guzman và các “nhà cung cấp” hóa chất Trung Quốc trong cuộc truy quét thuốc giảm đau Fentanyl. Có 5 vụ án được trình lên 3 Tòa liên bang mà Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc băng ma túy Sinaloa do 4 người này cầm đầu là nguồn chính tuồn Fentanyl vào Mỹ.

John Kapoor, người sáng lập Tập đoàn Insys therapeutic. (Nguồn: Forbes)

John Kapoor, người sáng lập Tập đoàn Insys therapeutic. (Nguồn: Forbes)

Trong cáo trạng các vụ án trên, Bộ Tư pháp Mỹ chỉ tên Công ty sinh học Wuhan Shuokang và Công ty dược phẩm Suzhou Xiaoli (đã bị trừng phạt) và 4 cá nhân của Trung Quốc vì bán tiền chất cho băng Sinaloa để sản xuất Fentanyl. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Merrick Garland cũng đã gặp người đồng cấp Mexico và tuyên bố sẽ liên tục tấn công “kẻ thù” này. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc ngăn chặn những tiền chất Fentanyl không được kiểm soát đang bị tuồn khỏi nước này.

Năm 2019, Trung Quốc cấm xuất khẩu Fentanyl sang Mỹ, nhưng các công ty Trung Quốc “lách luật” bằng cách bán tiền chất cho các băng ma túy Mexico… Tiến sĩ Rahul Gupta, Giám đốc văn phòng chính sách kiểm soát ma túy quốc gia Mỹ, khẳng định: “Các phần tử tội phạm, chủ yếu ở Trung Quốc, vận chuyển tiền chất đến Mexico, nơi những chất này được dùng để sản xuất Fentanyl bất hợp pháp”. Theo CNN, trước đó, Mỹ đã cấm vận 4 công ty Trung Quốc do bị cáo buộc xuất khẩu Fentanyl hoặc tiền chất Fentanyl.

Ngày 23/6/2023, Mỹ khởi tố 4 công ty và 8 cá nhân Trung Quốc buôn bán tiền chất Fentanyl. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ thông báo bắt giữ các nhân viên của các hãng hóa chất Trung Quốc để điều tra về chuỗi “cung ứng” tiền chất Fentanyl. AFP dẫn lời ông Garland: “Chỉ một trong những hãng hóa chất trụ sở tại Trung Quốc đã chuyển hơn 200kg tiền chất đến Mỹ, đủ để sản xuất 50kg Fentanyl giết chết 25 triệu người”. Đây là lần đầu tiên Mỹ khởi tố các hãng Trung Quốc buôn bán tiền chất Fentanyl tại Mỹ, thay vì tuồn chất này đến Mexico.

Tổng thống Joe Biden đã cử một phái đoàn cấp cao đến Bắc Kinh đã nói rõ mức nghiêm trọng của vấn đề đối với người dân Mỹ. Ngày 30/1, phái đoàn Mỹ do Phó cố vấn an ninh nội địa, Jen Daskal dẫn đầu, cùng nhân viên các bộ Ngoại giao, An ninh nội địa, Tư pháp và Tài chính Mỹ đến Bắc Kinh để thảo luận về ngăn chặn dòng Fentanyl vào Mỹ… Theo ABC News, cuộc bàn thảo dài 2 ngày với trọng tâm đàm phán là chất Fentanyl - thuốc giảm đau gây nghiện được sản xuất ở Trung Quốc đang “tàn phá” nước Mỹ. Tại cuộc họp, bà Daskal nhấn mạnh chất Fentanyl đang giết chết hàng nghìn người. Sau bàn thảo, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng nói rằng hai bên đã có những trao đổi “sâu sắc và thực tế”. Kết quả vẫn còn ở phía trước...

Đọc thêm