“Manh áo lành” cho vai tròn, lưng ong…
Nghệ sỹ, nhà báo Thúy Miêu vì mê áo dài, nàng có gần 10 năm làm trợ lý cho nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng đã trau chuốt vô cùng khi nói về áo dài: Chiếc áo xứ tôi hay lắm, thời hai ông Lê Phổ - Cát Tường theo Tây học, mang cái tư duy văn minh về, mỗi người chọn một hướng phát triển cho tấm áo đàn bà nước nhà. Lê Phổ chọn tư duy cấu trúc phương Tây, lại chuẩn mực trong tiềm thức chân - thiện - mỹ của người Việt về một “manh áo lành”, cho vai tròn, lưng ong và bờ ngực đẹp như khuôn tượng. Ông Cát Tường chọn du nhập cái phong vị phù phiếm đỏm dáng của đàn bà Tây phương mà minh chứng cho cái sức sống kỳ lạ của áo dài. Tà quốc phục Việt sở hữu cấu tứ âm dương đăng đối chỉn chu, có tĩnh có động, có mở và đóng, có trước và có sau. Rồi giải phóng, tới thời cả dân tộc kiêng khem, áo dài may cũng phải tằn tiện, nên kiểu vạt ngắn ấy tồn tại trong tủ đồ mấy nhà “tiểu tư sản” cho đến những đợt thi hoa hậu áo dài đầu tiên…
Ngày xưa người ta cho nữ sinh mặc áo dài để rèn nết. Mặc chiếc áo dài khuy bấm không ai có thể gù lưng xuống. Ta thường thắc mắc tại sao phụ nữ ngày xưa có cái eo nhỏ như thế được, vì cái áo dài rèn họ, bắt họ phải có cái eo thật nhỏ, cái cổ vươn cao, lưng thật thẳng. Chiếc áo rèn cho đàn bà Việt cốt cách, lòng tự tôn…
Bởi thế, nhắc tới áo dài, là sự dịu dàng, tha thướt riêng có. Nghệ sỹ Hồ Thị Thanh Hương, mẹ ca sỹ Thanh Lam bày tỏ tình yêu với áo dài bằng câu ca dao ví von, liên tưởng tới sự dịu dàng, ý nhị, duyên dáng của người phụ nữ Việt: “ Đố ai bán cái dịu dàng/Anh mua một gánh tặng nàng làm duyên/ Đố ai bắt cái dịu dàng/ Để anh chôn chặt vào em, dịu dàng”… Bởi theo bà, chỉ có sự dịu dàng mới giữ được tình yêu mãi mãi. Với tà áo dài, trong những chuyến công tác ra nước ngoài, nghệ sỹ Thanh Hương thường có niềm tự hào vô bờ khi diện tà áo quê hương: “Tôi sang Mỹ mặc áo dài ra đường ai cũng nhìn. Và rồi sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… những đất nước trong khu vực đều có áo dài truyền thống, nhưng tôi vẫn thấy áo dài Việt Nam quyến rũ vô cùng”…
Ca sỹ Thanh Lam cũng chia sẻ về một kỉ niệm: “Lần đầu tiên tôi mặc áo dài lên sân khấu là mượn áo dài của mẹ, trong một chương trình ngâm thơ của mẹ tôi. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được ghi hình để phát trên truyền hình. Lúc đó tôi mới 15 tuổi. Giờ tôi thường mặc áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh khi diễn ở nước ngoài”…
Bà Lê Thị Phúc, vợ NSƯT Lê Đại Chức, năm nay đã ngoài 80, bà nhớ về Hà Nội ngày thơ bé, 10, 11 tuổi ra đường, đi học Trường Lê Ngọc Hân đều đã vận áo dài màu vỏ đỗ rất đẹp. Sau này học Trường Trưng Vương thì các nữ sinh mới được mặc áo dài trắng. Theo bà Phúc, ngày ấy các bé gái được mặc áo dài từ sớm để đỡ nghịch, không đánh nhau và rèn sự nết na. Một kỉ niệm mà bà Phúc nhớ mãi là Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, khi ấy bà đang học trong trường nghệ thuật, được Nhà nước may cho 2 bộ áo dài lụa trắng Hà Đông đi chào đón đoàn quân chiến thắng trở về…
Còn NSƯT Lê Mai (mẹ của ba nghệ sỹ tài sắc Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi) nhớ về thời thơ ấu, khi ấy bà sống ở Hải Phòng, từ bé lắm mẹ đã cho mặc áo dài. Thời ấy, mẹ bà dạy con rất nghiêm khắc, mặc áo dài để rèn cho lưng thẳng, chân thẳng, đi lại khép nép, ra đường tay phải cuộn trong áo… Lớn lên một chút, bà theo cha lên chiến khu đi kháng chiến theo Bác Hồ, rồi vào trường nghệ thuật, bà thỏa ước mơ vào văn công. Năm 17 tuổi, bà chính thức thành người Hà Nội…
“Áo bay, mở khép nghìn tâm sự”
Chị Thái Kim Lan (Huế), người sở hữu bộ sưu tập áo dài quý chia sẻ: “Với chiếc áo dài, mọi phụ nữ Việt đều bình đẳng trong sắc đẹp! Thế hệ tôi, tà áo dài hiện diện trong đời sống thường nhật, phụ nữ từ người bình dân buôn thúng bán bưng cho đến người cao sang đều… “bình đẳng” trong chiếc áo dài, bình đẳng trong vẻ đẹp cũng như tính cách con người; dù chất lượng vải vóc khác nhau, nhưng tính cách Việt vẫn là một, cho nên áo dài hoàn toàn gắn bó với đời sống của mỗi người. Và áo dài còn là trái tim của Huế. Từ trăm năm trước, Huế đã giữ lụa trong áo dài, giữ áo dài trong lụa”…
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ) cũng là một người mẹ đắm say áo dài, người khởi xướng chương trình “Tà áo quê hương” cho biết: “Chúng tôi sắp xuất bản cuốn Cẩm nang áo dài nhằm giúp tư vấn cách mặc áo dài đẹp, từ chất liệu, hoa văn, màu sắc sao cho phù hợp với vóc dáng mỗi người. Rồi hướng dẫn lựa chọn kiểu may, kết hợp đồ lót, phụ kiện khi mặc áo dài. Trong những chuyến đi từ thiện, những buổi sinh hoạt chuyên đề, chúng tôi đều tiếp nhận áo dài để gửi các cô giáo vùng xa”.
Chị mang theo trong trái tim những kỉ niệm về áo dài: Tôi từng gặp một cụ già hơn 80 tuổi ở chợ Đông Ba (Huế), hơn 60 năm, mỗi ngày đến chợ bà luôn mặc chiếc áo dài, không có trang phục nào thay thế. Thời trẻ, tôi đặc biệt biết ơn… chiếc áo dài. Hồi đó nhà tôi rất nghèo. Suốt ba năm lớp 9, 10, 11, tôi chỉ có một chiếc áo dài để mặc. Nhờ đồng phục này mà tôi không còn cảm thấy tự ti với bạn bè có điều kiện.
Năm 1995, làm việc cho một khách sạn ở Đà Lạt, bà chủ người Pháp đã may cho nhân viên chúng tôi mỗi người hai bộ áo dài. Ngoài cảm giác sung sướng, len lỏi trong tôi bấy giờ một niềm tự hào, hãnh diện, yêu quý khi khoác lên người chiếc áo được quan tâm bởi một người nước ngoài. Nhưng tình yêu và sự ý thức giá trị của chiếc áo dài, nét đẹp văn hóa Việt chỉ thực sự lớn mạnh, bất biến trong tôi từ một chương trình mà tôi may mắn được làm việc với Giáo sư Trần Văn Khê...
Với Trần Hồng Hạnh, một cô gái trẻ gốc Đà Lạt, hiện làm trong ngành ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh, bởi mê áo dài, mà chị em cô đã miệt mài đi thửa từng sấp vải áo dài vô cùng tinh tế, tỉ mỉ để chia sẻ với mọi người hợp gu và yêu áo dài: “ Với mong muốn mọi người tự tin với áo dài và ai cũng được mặc áo dài đẹp, từng bộ áo dài do chính tay chị em Hạnh đặt biết bao tâm tư, đi tuyển chọn khắp nơi từng xấp áo. Rồi về chia ra các xấp màu cùng tông theo nhóm lạnh/nóng/trung tính chia ra theo từng bịch riêng rồi gom cuối tuần hai chị em khệ nệ chở cả bao vải áo đi những tiệm chuyên bán vải màu trơn để có đủ tông màu lựa, chỗ này không được lại xách qua chỗ khác, chợ khác chọn đúng tông màu theo gu thẩm mỹ của bản thân cho là khi kết hợp sẽ là đẹp nổi bật nền áo và ấn tượng nhất.
Bản thân Hạnh là một người rất yêu áo dài, yêu sự nền nã dịu dàng, vẻ đẹp e ấp, mong manh của người phụ nữ sau tà áo nhẹ nhàng, bay bổng. Với Hạnh, chắc không có một trang phục nào phụ nữ khoác lên lại đẹp và hiền hòa hơn áo dài. Một trang phục kín đáo nhưng lại vô cùng gợi cảm, khéo léo tôn lên những đường nét cơ thể một cách mềm mại nhưng lại không phô bày da thịt một cách thô thiển.
Áo dài không chỉ là một bức tranh đẹp trên cơ thể mỏng manh của người phụ nữ, che đi những kham khổ của những người bà, người mẹ, người chị, người vợ đã cả đời tần tảo vì chồng, vì con, vì gia đình. Tà áo mong manh không là mây, không là gió mà lại trôi bồng bềnh vào tâm hồn, lại khẽ khàng chảy vào lòng người và lưu giữ lại những nỗi niềm hoan ca, những tự hào, những thơ ngây. Rồi từ đó mang theo cả bầu trời quê hương thương nhớ. Nơi nào có hình ảnh đôi tà lộng gió, nơi đó có quê hương…