Thương mại lao đao và những nỗ lực của Việt Nam trong chống “giặc” nCoV

(PLVN) - Dịch virus Corona bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) trở thành đại dịch toàn cầu và gây nhiều ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế - xã hội của thế giới, Việt Nam là quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề do dịch bệnh gây ra. Các hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch và đời sống xã hội của người dân là những mặt chịu ảnh hưởng trực tiếp trong cơn khủng hoảng virus Corona.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch.

Thương mại nguy khốn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn (38,7%). Khi đại dịch virus Corona bùng phát, các hoạt động thương mại của đất nước tỉ dân này trở nên rối ren hơn bởi chuỗi cung ứng trên toàn cầu kéo theo đó cũng bị gián đoạn, lưu thông hàng hóa không thể đảm bảo phát triển, thậm chí có nguy cơ đối mặt với sự trì trệ và suy thoái.

Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp Việt phụ thuộc nguồn nguyên liệu của Trung Quốc sẽ gặp khó khi không thể tìm được nguồn cung và ngược lại, nhiều doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn tại đất nước này cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Hiện Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ các mặt hàng nông – lâm – thủy sản của Việt Nam. Chỉ riêng trong năm 2019, xuất khẩu sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Sự bùng phát của đại dịch này được đánh giá nguy hiểm hơn rất nhiều lần so với dịch SARS thời điểm 2002 và chúng ta đang tính đến phương án đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

Nếu điều này xảy ra cũng có nghĩa con đường vận chuyển qua biên giới để lưu thông hàng hóa cũng bị gián đoạn, sẽ làm cho sự tăng trưởng của khu vực nông nghiệp trở nên trì trệ, thậm chí đối mặt với nguy cơ khủng hoảng. 

Hiện thanh long là mặt hàng nông sản đang hứng chịu hậu quả trực tiếp khi Trung Quốc đóng cửa giao dịch đường biên. Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, trước tình hình dịch bệnh virus Corona, nhiều doanh nghiệp không thể xuất hàng thanh long sang Trung Quốc nên phải trữ ở kho, Hiệp hội Thanh long tỉnh cũng đã họp bàn lại công tác thu mua. Tuy nhiên, với những nhà kho trong Hiệp hội, hội sẽ cố gắng tiếp tục thu mua thanh long của người dân nhưng mức giá giảm xuống bình quân khoảng 10.000 đồng/kg.

Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh Corona.

Các mặt hàng thủy sản cũng tương tự, đều phải chuyển hướng sang các thị trường khác do các nhà nhập khẩu Trung Quốc thông báo ngừng nhận hàng, tuy không mang lại nhiều hiệu quả. 

Việt Nam chủ động ứng phó với “giặc” nCoV

Ngay từ ban đầu, Việt Nam đã xác định nguy cơ dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV xâm nhập khi có thông tin về dịch bùng phát ở Trung Quốc, bởi khoảng cách địa lí cũng như việc giao lưu thương mại, đi lại giữa hai quốc gia.

Khi có thông tin ghi nhận trường hợp bệnh đầu tiên tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành hàng loạt văn bản về công tác phòng chống dịch, cụ thể như: Ngày 19/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 23/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 121/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra; ngày 17/12/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1969/TTg-KGVX và ngày 16/01/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 441/VPCP-KGVX về việc phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra.

Mới đây, trong “Chỉ thị 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra”, cũng nên rõ nhiệm vụ của các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là Bộ Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đề cao trách nhiệm trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Bộ Y tế đã ban hành 12 văn bản và có kế hoạch đáp ứng chống dịch theo từng mức độ và theo từng kịch bản, đã thành lập 25 đội phản ứng nhanh; yêu cầu toàn ngành Y tế triển khai các hoạt động giám sát, đáp ứng ở mức cao hơn một mức so với thực tế diễn biến dịch bệnh; Tổ chức giám sát nghiêm ngặt tất cả khách nhập cảnh tại các cửa khẩu, giám sát bệnh viêm phổi cấp tại cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện kịp thời, cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện.

Các bệnh viện luôn theo sát và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam và các ca bệnh mới đang được điều trị cách ly, chuẩn bị chu đáo mọi mặt sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra; cập nhật những kiến thức cơ bản về chẩn đoán bệnh, các phương pháp phòng chống và hướng điều trị bệnh theo phác đồ chuẩn của Bộ Y tế.

Có thể nói, qua những hành động của Chính phủ, các bộ, Việt Nam đã và đang trong tư thế chủ động đối phó với dịch bệnh do virus Corona, đã có phản ứng kịp thời trước những diễn biến nhanh chóng của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, những thông tin chính thống, minh bạch về diễn biến dịch bệnh được và các giải pháp ứng phó được đăng tải, người dân cũng đã có những chuẩn bị và cách thức để bảo vệ, ngăn ngừa lây nhiễm virus nCoV.

Trong đối phó với dịch nCoV, “Trách nhiệm lớn nhất là của cấp ủy và chính quyền địa phương”

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cũng có sự phối hợp với Bộ Y tế trong chiến dịch ngăn ngừa dịch bệnh. Các tỉnh đã có những chính sách, biện pháp để chủ động đối phó với dịch bệnh.

Tại một trong những tỉnh thành có ca nhiễm như Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Đăng Quyền yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cao xuất hiện dịch bệnh, chú trọng giám sát và triển khai công tác kiểm dịch tại Cảng hàng không Thọ Xuân; tăng cường thực hiện công tác giám sát, đặc biệt là đối với số người từ Trung Quốc trở về, cũng như số người Trung Quốc làm việc tại Thanh Hoá đang về quê ăn Tết và sẽ quay trở lại trong thời gian tới. Đặc biệt, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động xây dựng phương án đáp ứng kịp thời diễn biến dịch.

Đặc biệt, đối phó với dịch bệnh do nCoV, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có kế hoạch và cho triển khai xây dựng 02 bệnh viện dã chiến tại thành phố Móng Cái. Bệnh viện dã chiến số 1 được xây dựng trong khuôn viên của cửa khẩu Móng Cái, nhằm phát hiện, cách ly kịp thời các trường hợp nghi nhiễm virus Corona ngay khi qua cửa khẩu Móng Cái, có khu cách ly rộng khoảng 60m2. Công trình sẽ khởi công trong ngày 31/1 và hoàn thiện sau 1 tuần.

Bệnh viện dã chiến số 2 có nhiệm vụ thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona theo quy định của Bộ Y tế. Bệnh viện dã chiến này cũng có quy mô 500 giường, được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ đảm bảo nhằm phục vụ trong trường hợp dịch bệnh do virus Corona xảy ra trên diện rộng.

Cùng với các cấp chính quyền, các ban ngành, đơn vị cũng lên kịch bản, luôn sẵn sàng thực hiện các chính sách phòng chống dịch bệnh.

Ngành Giáo dục, với chính sách cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng ngừa dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra không lây lan diện rộng đã được 23 tỉnh, thành phố thực hiện. Nhiều tỉnh cho học sinh, sinh viên được nghỉ hết ngày 09/02/2020 như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Long An, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu,... 

Hay như Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn TP Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với mặt hàng động vật và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ đang có dịch.

Đồng thời, lực lượng QLTT Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp trên địa bàn thành phố, đặc biệt về việc niêm yết giá và lượng hàng.

Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch nCoV và đã đạt được kết quả khả quan

Trước tình hình dịch bệnh do nCoV diễn biến phức tạp, có khả năng lây lan nhanh. Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt. Thực hiện việc cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua, đối với các trường hợp nghi nhiễm nCoV lập tức cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế.

Với tinh thần “luôn luôn đặt mức sẵn sàng cao hơn mức bình thường”, hiện nay, 3 bệnh nhân tại Việt Nam dương tính với virus Corona đã được điều trị thành công và xuất viện.

Như vậy, Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác ứng phó với dịch Corona giữa thời điểm dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý, giảm được tình trạng hoang mang, hoảng loạn của người dân.

Sau hơn một tháng tiếp nhận thông tin và chiến đấu với “giặc” Corona (nCoV), từ Chính phủ đến các cấp địa phương đã nhanh chóng, nỗ lực chuẩn bị chính sách, triển khai các biện pháp trong công tác ứng phó với dịch Corona.

Như lời của Đại diện Tổ chức WHO tại Việt Nam đã nói: “Chúng tôi đánh giá rất cao các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, ngành Y tế Việt Nam cùng tất cả các bộ, ngành trong việc giám sát, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, chẩn đoán, điều trị cho đến thời điểm hiện tại”.

Đọc thêm