Hỗ trợ, bổ sung cho nhau
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định, thời gian thực hiện UVKFTA dù mới chỉ được 1 năm nhưng những số liệu ban đầu cho thấy quá trình thực thi đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cả 2 bên. Việt Nam tăng 16% kim ngạch xuất khẩu với giá trị khá lớn (trên 5 tỷ USD), trong đó có nhiều mặt hàng tăng tốt như rau quả, hạt tiêu, các mặt hàng chế biến chế tạo như phương tiện vận tải phụ tùng, máy móc thiết bị.
Các mặt hàng nông sản như phở ăn liền, thực phẩm, rau quả Việt Nam đã lên kệ các siêu thị trung và cao cấp ở Anh… Tuy nhiên, còn nhiều mặt hàng chưa có kim ngạch tốt như gạo, mới tận dụng được 3.000/14.000 tấn hạn ngạch hưởng ưu đãi thuế quan.
“Mới là năm đầu tiên tiến hành giảm thuế, mức thuế chưa phải lớn nhưng đã có những tín hiệu tích cực. Do đó, đây sẽ là mốc đưa quan hệ thương mại giữa 2 bên lên tầm cao mới. Trước đây, thương mại giữa 2 bên là ưu đãi đơn phương của Anh dành cho các nước kém phát triển nhưng hiện nay là “quan hệ có đi có lại” khi Việt Nam đạt được một trình độ cao hơn về phát triển thương mại”, ông Thái nói.
Tuy nhiên, ông Thái lưu ý, trong thực thi hiệp định hiện có 2 nhóm truyền thống đã có và 2 bên đang xây dựng tốt hơn như thúc đẩy trao đổi thế mạnh của nhau. Nhưng lâu dài cần hướng đến những lĩnh vực có tiềm năng. Ví dụ, thúc đẩy hợp tác năng lượng tái tạo để giảm khí thải các bon khi Anh có nhiều thế mạnh như cung cấp tài chính để chuyển đổi năng lượng; có nhiều ưu thế thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi; hoặc các lĩnh vực công nghệ cao như xây dựng trung tâm bảo dưỡng của Roll Royce… tại Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), tỷ trọng tăng kim ngạch xuất khẩu sang Anh không cao nhưng hiệp định này đã mang lại những hiệu quả nhất định khi được thực thi đúng vào giai đoạn rất khó khăn của sản xuất ở Việt Nam (do ảnh hưởng của dịch COVID-19). Hiệp định này có lợi thế khá lớn vì có khoảng thời gian chạy đà cho doanh nghiệp (DN); Lợi thế nhìn thấy rất rõ nữa là cơ cấu bổ sung cho nhau vì không có sản phẩm nào cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Ví dụ Việt Nam đang rất cần các sản phẩm về dược thì Anh rất mạnh, Việt Nam mạnh về xuất khẩu dệt may thì Anh lại có lợi thế về cung cấp nguyên vật liệu.
Chủ tịch Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, sự gia tăng đầu tư 157% vốn đăng ký cấp mới của Anh trong năm 2021 đã chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư Anh, kể cả trong bối cảnh COVID-19. Hiện đã có thêm những động thái gắn kết trao đổi hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia như thêm đường bay mới, các ký kết về thiết bị máy bay; những trao đổi đầu tư về giáo dục, năng lượng, dược phẩm và y tế… Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn những cam kết trong hiệp định là cần tăng cường quan hệ đối tác giữa 2 Chính phủ.
Doanh nghiệp cần thêm thông tin
Bà Trang đánh giá, sự hiểu biết của DN Việt Nam về các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung, về UKVFTA nói riêng rất hạn chế. Khảo sát về sự hiểu rõ và hiểu kỹ càng các cam kết để tận dụng FTA của VCCI cho thấy, chỉ khoảng 20% DN nắm bắt được nên việc tận dụng cơ hội hợp tác, trao đổi thương mại chưa cao. Do đó, các cơ quan như bộ, ngành, cơ quan liên quan cần thông tin nhiều hơn để DN có thể nắm được.
“Không phải cứ có hiệp định là có thị trường bởi DN còn cần phải tìm hiểu rất nhiều thông tin như nhu cầu thị trường, các quy định thị trường để tuân thủ mới có thể tận dụng được các cam kết. Nếu 1 DN đi tìm hiểu sẽ rất vất vả và không mang lại hiệu quả bằng việc thông qua các cơ quan xúc tiến thương mại. Do đó, các cơ quan này cần tập trung tìm hiểu cụ thể để mang lại cho DN thêm nhiều cơ hội và việc tận dụng FTA mới mang lại hiệu quả cao hơn” - bà Trang nói.
Đại diện một công ty luật của Anh tại Việt Nam cho rằng, trong các giao dịch về thương mại giữa 2 bên cũng cần cố gắng tránh các tranh chấp bởi hiện nay, giữa 2 nước đang có sự khác biệt trong giao dịch thương mại hàng hóa. DN Việt Nam cần thu hẹp những vấn đề về nhận thức pháp luật để các bên cùng hiểu rõ về nhau, để tránh tối đa các tranh chấp có thể xảy ra.
Ngoài ra, DN 2 bên cũng cần thực hiện tốt hơn những vấn đề an ninh an toàn như trong giao dịch thanh toán; cần phải đàm phán, trao đổi những khó khăn, sử dụng cơ chế trọng tài để việc thực hiện các cam kết sẽ có nhiều kết quả hơn trong các năm tiếp theo.