Thượng tôn pháp luật - 'Giấy thông hành' cho doanh nghiệp tại ĐBSCL

(PLO) - Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) phối hợp với UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức chương trình tọa đàm Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” tại Cần Thơ.
Lãnh đạo địa phương, nhà quản lý, chuyên gia pháp luật trao đổi về nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững doanh nghiệp.
Lãnh đạo địa phương, nhà quản lý, chuyên gia pháp luật trao đổi về nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững doanh nghiệp.

Ông Trần Đức Vinh, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN; ông Nguyễn Thái Sơn, Nguyên Hàm Vụ Phó Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Ông Trần Việt Trường, UV BTV Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo TP Cần Thơ; Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; cùng đông đảo lãnh đạo các sở, ban, ngành Cần Thơ và lãnh đạo Sở Công thương, doanh nghiệp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tham dự.

Thiếu thượng tôn pháp luật là đánh mất niềm tin…

Phát triển bền vững, trên cơ sở thượng tôn pháp luật đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, các doanh nghiệp còn đảm bảo chấp hành tốt các quy định của pháp luật, kết hợp với thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, số lượng này còn rất hạn chế.

Ông Trần Đức Vinh, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN cho biết, thực hiện vai trò, sứ mệnh là cơ quan báo chí, truyền thông, Báo PLVN luôn tiên phong trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Chương trình tọa đàm hôm nay nằm trong chuỗi nhiều sự kiện tuyên truyền pháp luật cho các doanh nghiệp. Thông qua đó, góp phần khơi gợi khát vọng lập nghiệp, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng vì sự phát triển của doanh nghiệp.

"Hy vọng buổi tọa đàm giúp các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể hơn về sự phát triển bền vững trên cơ sở thượng tôn pháp luật hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước thịnh vượng, xã hội văn minh và giàu đẹp. Vì vậy các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL cần thẳng thắn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài", đại diện báo PLVN nói.

Buổi tọa đàm thu hút nhiều doanh nghiệp khu vực ĐBSCL tham gia.
Buổi tọa đàm thu hút nhiều doanh nghiệp khu vực ĐBSCL tham gia.

Với góc độ địa phương, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, nhiều chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ban hành đã đi vào đời sống, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn khẳng định vai trò và vị trí của mình trong nền kinh tế phải xây dựng các nguyên tắc, giá trị cốt lõi tạo sức sống cho doanh nghiệp “tuyệt đối tuân thủ pháp luật, sáng tạo, chuyên nghiệp, trách nhiệm môi trường, xã hội”. Tuy nhiên, thời gian qua một số doanh nghiệp, doanh nhân nhận thức còn hạn chế về tinh thần thượng tôn pháp luật trong sản xuất kinh doanh để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật…

“Việc thiếu thượng tôn pháp luật chính là đánh mất niềm tin của đối tác, của khách hàng. Tuyệt đối tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cũng chính là xây dựng niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp”, ông Dũng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp “mù” luật, dễ xảy ra tranh chấp

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề  về tiêu chí, mục tiêu phát triển bền vững và các doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL phải làm gì để giúp đơn vị mình phát triển bền vững đã được các diễn giả trao đổi, bàn luận một cách thẳng thắn và cụ thể.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Nguyên Hàm Vụ phó Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ chia sẻ gợi mở: Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững, lâu dài, làm ăn đúng đắn thì phải am hiểu, nắm chắc pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; không chỉ pháp luật trong nước mà còn cả pháp luật quốc tế. Nhưng đặc thù phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, nhiều chủ doanh nghiệp khởi nghiệp và đi lên từ mô hình sản xuất kinh doanh gia đình nên hiểu biết về pháp lý, đặc biệt là các luật liên quan đến kinh doanh còn hạn chế.

Chính vì vậy, một khi doanh nghiệp phát triển thành quy mô lớn, thị trường vươn xa hơn thì rất dễ xảy ra tranh chấp, rủi ro pháp lý. Cũng cần nói thêm là luật pháp Việt Nam hiện quá “cồng kềnh và phức tạp”. Điều này tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo UBND và Sở Công thương các tỉnh ĐBSCL dự tọa đàm.

Lãnh đạo UBND và Sở Công thương các tỉnh ĐBSCL dự tọa đàm.

Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho rằng: Hiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc áp dụng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư còn nhiều bất cập, chưa hợp lý. Công tác thực thi pháp luật cũng còn nhiều hạn chế, thủ tục hành chính rườm rà. Việc tiếp nhận và trả lời kiến nghị doanh nghiệp tại một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển như tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng…

Vì vậy, ông Toại cho rằng cơ quan lập pháp cần phải nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm tạo sự đồng bộ đột phá; Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và Luật Đầu tư cần phải liên hệ gắn bó mật thiết với nhau, nhằm tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển, ông Toại nói.

Pháp luật tạo ra nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp

Nói về những thách thức của doanh nghiệp ĐBSCL trước yêu cầu phát triển bền vững, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phụ trách VCCI Cần Thơ cho biết: Quy mô, năng lực quản lý doanh nghiệp khu vực ĐBSCL nhìn chung còn nhiều hạn chế nhưng phải chịu áp lực rất lớn đối với sự phát triển chung và hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe của đối tác, khách hàng. Tuy nhiên, theo ông Lam, “Các doanh nghiệp có khả năng áp dụng tiêu chuẩn phát triển bền vững rất cao, các doanh nghiệp thuộc dạng nhanh nhạy nhưng vấn đề là chưa quen với các bộ tiêu chí và còn e dè, ngần ngại. Khi các doanh nghiệp hiểu được áp lực của luật thay đổi thì doanh nghiệp sẽ áp dụng rất nhanh”.

LS Kiều Anh Vũ trả lời thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề pháp lý.

LS Kiều Anh Vũ trả lời thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề pháp lý.

Còn theo Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM, pháp luật Việt Nam phức tạp và bất cập nhưng phải thừa nhận rằng hệ thống pháp luật hiện nay đang tạo ra rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ về tín dụng... Kinh doanh trong những lĩnh vực địa bàn ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, theo luật sư Vũ, muốn biết mình có được ưu đãi hay không và các thủ tục để được hưởng đó thì doanh nghiệp phải tiếp cận và hiểu biết về pháp luật.

Năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo lợi thế phát triển cho các doanh nghiệp nhưng vấn đề tiếp cận văn bản, các hướng dẫn liên quan và tận dụng lợi thế đó như thế nào là chuyện của doanh nghiệp. Nếu tận dụng tốt sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh.

Giải đáp, tháo gỡ vướng pháp lý cho doanh nghiệp

Nói về những vướng mắc của doanh nghiệp, ông Võ Văn Thành, Phó Giám đốc Cty TNHH SX Thương Mại Phước Thành IV, Vĩnh Long trình bày: Muốn xuất khẩu gạo thì các doanh nghiệp phải có nhà máy xay xát. Nếu không có mà muốn xuất khẩu thì phải ủy thác qua Cty khác. Điều này gây rất nhiều bất lợi vì khi xuất khẩu qua ủy thác thì thương hiệu của doanh nghiệp không được gắn trên bao bì, ngoại tệ không mang được về cho địa phương. Vì vậy, ông đề nghị xem xét lại tiêu chí này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Trần Đức Vinh (thứ 2 từ phải qua) và ông Nguyễn Thanh Dũng (thứ 2 từ trái qua) trao hoa cho các diễn giả khách mời.

Ông Trần Đức Vinh (thứ 2 từ phải qua) và ông Nguyễn Thanh Dũng (thứ 2 từ trái qua) trao hoa cho các diễn giả khách mời.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Minh Toại nói: Xuất khẩu gạo trực tiếp là kinh doanh có điều kiện và thực hiện theo Nghị định 109 của Chính phủ. Hiện, chỉ có 150 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp. Được biết, Bộ Công thương đang đề nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định 109 bỏ giấy phép xuất khẩu trực tiếp. Các doanh nghiệp có uy tín, năng lực thì có quyền xuất khẩu trực tiếp.

Trả lời câu chuyện về việc cơ quan thẩm quyền yêu cầu nộp các giấy tờ bằng bản chính có mộc đỏ, không được nộp bản photo hoặc bản sao chứng thực, Luật sư Kiều Anh Vũ, khẳng định: Dưới góc độ pháp luật về hồ sơ thành lập doanh nghiệp và quy định của pháp luật bản sao được chứng thực của Chính phủ thì bản sao được chứng thực có giá trị pháp lý như bản chính. Cơ quan chức năng khi nhận bản sao có chứng thực thì chỉ cần đối chiếu với bản chính là đủ.

Ông Nguyễn Minh Toại, giám đốc Sở Công thương Cần Thơ chia sẻ thêm: Ở Sở ông cũng dùng bản chính để đối chiếu với bản sao có chứng thực chứ không bắt buộc doanh nghiệp phải nộp bản chính. “Nếu ở địa phương nơi doanh nghiệp ông Thành bắt buộc nộp bản chính vậy thì ông  Thành nên gặp hoặc gọi điện cho thủ trưởng đơn vị. Nếu cán bộ làm sai thì thủ trưởng có trách nhiệm giải quyết ngay”, ông Toại chia sẻ.

Ông Trần Phong Trần, Trưởng CQĐD Báo PLVN tại ĐBSCL trao hoa cảm ơn nhà tài trợ.

Ông Trần Phong Trần, Trưởng CQĐD Báo PLVN tại ĐBSCL trao hoa cảm ơn nhà tài trợ.

Về vấn đề xuất hóa đơn đối với đơn hàng bán lẻ trên 200 nghìn đồng, các doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ tạo nên sự phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Bửu, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ giải thích, theo quy định tạo lập hóa đơn phục vụ bán hàng của doanh nghiệp thì giá trị trên 200 nghìn đồng phải xuất hóa đơn, giá trị dưới 200 nghìn đồng thì lập bảng kê cuối ngày tổng hợp ra thành một hóa đơn. Nếu không xuất hóa đơn là sai quy định và Cần Thơ đang đề nghị nâng giá trị từ 200 lên 400 hoặc 500 nghìn đồng để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Có thể nói, tọa đàm đã nhìn nhận đúng thực trạng doanh nghiệp hoạt động nhưng không nắm bắt được quy định của pháp luật liên quan đến ngành, nghề đang sản xuất, kinh doanh của mình. Đáng tiếc là nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp được quy định khá rõ trong hệ thống pháp luật hiện hành; nhưng doanh nghiệp không tận dụng, thậm chí không hề hay biết. Điều này đặt ra nhiều vấn đề thiết thực để bàn luận, trao đổi, chia sẻ và tìm biện pháp giải quyết. Từ đó, giúp cho các doanh nghiệp hiểu đúng hơn về vai trò, chức năng quan trọng của pháp luật đối với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Âu đó giúp cho các doanh nghiệp hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra, nhất là câu chuyện tranh chấp đang hàng ngày, hàng giờ xảy ra; làm gia tăng đáng kể số lượng án dân sự tại tòa án…

Ông Nguyễn Thái Sơn, Nguyên Hàm Vụ phó Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ: Để doanh nghiệp thượng tôn pháp luật, pháp triển bền vững phải đảm bảo 2 yếu tố: Về phía nhà nước, việc ban hành và thực thi pháp luật phải thực sự dân chủ, công bằng, bình đẳng; hệ thống các quy định pháp luật phải minh bạch, đồng bộ, nhất quán; Về phía doanh nghiệp, phải nhìn nhận đúng đắn về pháp luật, không chỉ coi pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước mà phải thực sự coi pháp luật là công cụ để doanh nghiệp tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình, để giám sát, đánh giá hoạt động của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ: Công tác truyền thông rất quan trọng, vì vậy cần phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, pháp luật về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Kịp thời thông tin về những mô hình tốt, cách làm hay cũng như những sai phạm trong thực thi chính sách, pháp luật. Kịp thời có những biện pháp để đấu tranh với các thủ đoạn xuyên tạc, “bịa đặt”, có ý phá hoại hoạt động phát triển, ổn định kinh tế - xã hội...

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM: Các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật đối với hoạt động của doanh nghiệp mình. Biết luật, hiểu luật, tuân thủ, thượng tôn pháp luật mới có thể ổn định để yên tâm kinh doanh, phát triển bền vững.

Đọc thêm