Thường trực Ban Bí thư: Công tác tổ chức mà sai thì khó khắc phục!

(PLVN) -Khẳng định tính tích cực của công tác tinh giản biến chế, nhưng theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, việc sắp xếp cần được thực hiện một cách thận trọng, chắc chắn, tránh cầu toàn, tránh nôn nóng “vì công tác tổ chức mà sai thì khó khắc phục".
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội nghị.

Sáng nay (18/1), tại Hà Nội, Ban Tổ chức TƯ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên cả nước. 

Tính tiền phong, gương mẫu chưa cao

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính khẳng định từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay và năm 2018 vừa qua, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã quyết tâm đổi mới phong cách, lề lối, phương pháp, thái độ làm việc, huy động sức mạnh tổng hợp để hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng ngày càng nâng lên, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước.

Toàn ngành thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần thu hẹp “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái. Cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy lên một giai đoạn mới mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, tiếp tục củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Ngành tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau một năm thực hiện Nghị quyết, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Đây là một trong những nghị quyết của TƯ được thực hiện đồng bộ, tích cực và sớm đi vào cuộc sống, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trong việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần giảm chi tiêu thường xuyên, tăng đầu tư phát triển. 

Tuy nhiên, việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở một số nơi còn chậm trễ, cầu toàn; ngược lại, có nơi còn nóng vội, lúng túng. Việc giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; phân cấp quản lý; giảm cấp phó; tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cắt giảm thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và việc thực hiện quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ có nơi, có lúc còn chậm... 

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Sau khi phân tích những hạn chế, tồn tại của ngành tổ chức xây dựng Đảng, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân của những tồn tại trên, trong đó có những nguyên nhân chủ quan cần phải sớm khắc phục. Chẳng hạn, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về vai trò, tầm quan trọng của công tác tổ chức xây dựng Đảng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu chưa sâu sát, chưa quyết liệt; tính tiền phong, gương mẫu chưa cao; tinh thần tự phê bình và phê bình còn hạn chế; chưa chú trọng kiểm tra, giám sát. Việc rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành một số văn bản hướng dẫn còn lúng túng, chưa kịp thời….

Đẩy lùi và chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền

Phát biểu chỉ đạo, Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Trần Quốc Vượng- Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư -ghi nhận trong 3 năm qua, nhất là năm 2018, ngành Tổ chức xây dựng Ðảng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Nhất trí với 8 nhiệm vụ giải pháp nêu trong báo cáo, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt, ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả và khắc phục cho được khuynh hướng thụ động, trông chờ hoặc chủ quan, nóng vội trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trong việc tinh giản biến chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo mục tiêu Nghị quyết đề ra, ông Trần Quốc Vượng lưu ý cần thực hiện một cách thận trọng, chắc chắn, tránh cầu toàn, tránh nôn nóng “vì công tác tổ chức mà sai thì khó khắc phục”. Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định, quy chế về công tác tổ chức xây dựng Đảng, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các quy định của Đảng và Nhà nước để thực hiện nghiêm công tác tổ chức xây dựng Đảng, làm căn cứ để kiểm tra, giám sát và là cơ sở để đánh giá cán bộ.

“Trước mắt, tập trung tham mưu ban hành Chỉ thị và hướng dẫn công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền”- Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ tin tưởng ngành Tổ chức xây dựng Đảng sẽ không thỏa mãn với những kết quả đạt được; tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Phát biểu tiếp thu và kết luận hội nghị, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính khẳng định, sau hội nghị, các cơ quan chức năng của Ban Tổ chức TƯ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến tham luận, nhất là ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư để sớm hoàn chỉnh báo cáo và kết luận hội nghị làm căn cứ để toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng thực hiện trong những năm tới./.

Đọc thêm