Thường trực Chính phủ làm việc với TP HCM: Giải quyết các vấn đề với trách nhiệm cao nhất

(PLVN) -  Hôm qua - 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cùng dự có Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, hai Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành.
Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.

TP HCM gặp nhiều khó khăn trong quý I/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, TP HCM là đầu tàu kinh tế, văn hóa, xã hội của phía Nam và cả nước. Tình hình kinh tế TP sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước. Do đó, cần có các giải pháp để thúc đẩy kinh tế TP phát triển nhanh, bền vững.

Theo báo cáo, năm 2022, TP mặc dù có nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 9,03%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 471.000 tỷ đồng, đứng đầu và chiếm 30% tổng thu ngân sách cả nước; thu nhập bình quân đầu người 6.770 USD/người; vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đạt 56,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước; xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD đứng đầu cả nước.

Tuy nhiên, trong quý I/2023, TP gặp nhiều khó khăn, GRDP chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ tăng 4,7%, doanh thu du lịch tăng 77,2% so với cùng kỳ. Về thu hút đầu tư, TP đạt gần 498 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách khoảng 124.796 tỷ, đạt 26,6% dự toán năm.

Theo Thành ủy TP, nhiều ngành có mức độ lan tỏa cao đang giảm sâu như giá trị tăng thêm ngành xây dựng giảm 20%, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; có thể ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố khác. Hiện nay, hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ. Giải ngân vốn đầu tư công chậm mới chỉ đạt 4% kế hoạch. Xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân cư cơ học, khiến TP phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực lớn về hạ tầng kinh tế - xã hội, úng ngập, chất thải, khói bụi, ô nhiễm, nhà ở...

Công tác lập quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm. DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, chuỗi cung ứng chưa phục hồi. Trong 25 nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các bộ, ngành và TP thực hiện trong năm 2022, đến nay có 21 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, còn lại 4 nhiệm vụ đang gần hoàn thành.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho TP

Qua báo cáo của Thành ủy TP, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Trung ương, Chính phủ luôn đồng hành, trách nhiệm với TP và ngược lại TP cũng đồng hành, trách nhiệm với cả nước. Chính phủ thường xuyên làm việc với TP để đưa ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế TP phát triển nhanh, bền vững, tự tin.

Thủ tướng phân tích, TP HCM có nhiều lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có 41 khu công nghệ cao, khu cụm công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động; lực lượng lao động lớn trên 5 triệu người (chiếm 10% cả nước); hàng chục ngàn DN FDI và hàng trăm ngàn DN trong nước đang hoạt động. Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết về phát triển TP HCM; đồng thời ban hành 2 nghị quyết và 1 kết luận về phát triển vùng Đông Nam Bộ với trung tâm là TP HCM.

Thủ tướng khẳng định, với tiềm năng nổi bật, lợi thế, TP có đủ yếu tố phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, trở thành TP văn minh, hiện đại, động lực phát triển cho vùng và cả nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP HCM trong hơn 35 năm đổi mới, trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành tựu chung của cả nước.

Trước tình hình chung của thế giới biến động phức tạp, khó lường… Thủ tướng giao TP về các nhiệm vụ chung: Bám sát tình hình, bình tĩnh, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả giải quyết 3 nhóm công việc: Công việc thường xuyên; công việc tồn đọng và công việc phát sinh. Tập trung triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương; tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, thúc đẩy sản xuất, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và ứng dụng công nghệ; xử lý khó khăn, vướng mắc của người dân, DN trong tiếp cận vốn, trái phiếu, BĐS, các quy định về phòng cháy, chữa cháy…

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Chính phủ đã gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và đang đề xuất Quốc hội miễn giảm thuế, phí, lệ phí, TP cần tổ chức thật tốt.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tích cực hỗ trợ TP trong các nhiệm vụ, nhất là công tác quy hoạch; xây dựng các giải pháp, tổ chức thực hiện hấp thụ, tiếp cận vốn, các giải pháp giãn nợ, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị triển khai công tác về BĐS; đẩy mạnh gói 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động giải quyết các vấn đề của thành phố, kết hợp hài hòa giữa phương thức trực tiếp và trực tuyến, hạn chế đi lại, thủ tục, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trước tình hình kinh tế của TP, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi xác định nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, sự trì trệ của hệ thống hành chính cũng là một nguyên nhân quan trọng đối với kết quả quý I. Theo ông Mãi, động lực tăng trưởng của TP đã suy giảm nhiều năm qua do đại dịch COVID-19, trong khi đó những vướng mắc cũ chưa được giải quyết, những động lực mới chưa được phát huy…

Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá TP nhằm thực hiện đúng vai trò đầu tàu như Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định.

Thành phố kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng và quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ TP. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp.

Đọc thêm